Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014[1], nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,50%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở về đây[2], trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 3,72%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 11,42%; 34,37%; 43,54%; 10,67%).
Xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 8,50%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê