Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm, ước đạt 599.160 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN trong 8 tháng đầu năm, ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia,... Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng như cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải khác và phụ tùng.

Lĩnh vực công nghiệp, để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, TP.HCM đã có Quyết định 15/2017/QĐ-UBND hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; Đồng thời, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh,thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Theo đó, chỉ số phát triển công nghiệp thành phố trong 8 tháng ước tăng 7,31% so với cùng kỳ năm 2016.

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 11,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Với sự phát triển am5nh của nhiều lĩnh vực kinh tế, trong 8 tháng, thu ngân sách TP.HCM ước thực hiện là 224.010 tỷ đồng, đạt 64,39% dự toán, tăng 11,47% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP.HCM bên cạnh những mặt đạt được, kinh tế, xã hội thành phố vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục như hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 8 do theo yếu tố thời vụ có giảm nhẹ, cần được theo dõi và có giải pháp đẩy nhanh trong những tháng tới, đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và cung cấp hàng hóa vào cuối năm. Dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng trong mùa mưa, các ngành và địa phương cần có giải pháp để phòng chống…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, để đạt được mục tiêu cả năm tăng 8,4-8,7% các sở, ngành cần tập trung phân tích, đề xuất giải pháp tăng trưởng cho từng lĩnh vực trong mấy tháng còn lại.

Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM cần tiếp tục chỉ đạo các chi cục thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể lên DN, làm báo cáo thuế… TP.HCM khuyến khích vận động chứ không áp đặt bằng chỉ tiêu vì điều kiện không đảm bảo. Muốn hộ cá thể trở thành DN cũng rất khó khăn. Hiện nay con số đăng ký là 316.000 DN nhưng nộp thuế chỉ hơn 160.000 DN. Thành phố nâng hộ lên DN thì thực lực kinh tế không lên bao nhiêu. Do đó, phải tính toán điều kiện từng hộ để vận động tăng vốn, tăng quy mô.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần rà soát loại bỏ thủ tục không cần thiết phát sinh chi phí phi chính thức. Đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tối đa cho DN...

Nguồn: baohaiquan.vn