Theo Reuters, đợt nới lỏng đầu tiên này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các thị trường tài chính có lòng tin rằng áp lực đối với đồng NDT và dự trữ ngoại hối của nước này đều đã giảm, chủ yếu là do đà tăng giá của đồng USD chững lại.
Đồng NDT đã mất khoảng 6,5% giá trị so với đồng USD vào năm ngoái và tăng 1% trong năm nay, mặc dù nhiều chuyên gia nhận định đồng tiền này sẽ tiếp tục mất giá.
Do dòng vốn không còn bị hạn chế và nền kinh tế ổn định trở lại, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã trở lại mức 3.000 tỷ USD.
Ngày 18/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) khẳng định niềm tin của thị trường đối với đồng NDT đã được cải thiện đáng kể. Đến tuần tước, PBOC đã không còn yêu cầu các ngân hàng phải cân đối các dòng vốn ra và vào.
Mặc dù tính đến thời điểm này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, song kể từ tháng 8/2015 Trung Quốc đã chi hơn 500 tỷ USD để hỗ trợ đồng NDT.
Từ cuối năm ngoái, Chính phủ Trung quốc đã đẩy mạnh kiểm soát dòng vốn, khiến các cá nhân và công ty khó chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc hơn.
Các biện pháp này bao gồm ngăn việc dòng vốn có tính đầu cơ di chuyển ra ngoài nước và giúp ổn định đồng NDT, song cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự lưu thông của các dòng vốn hợp pháp trong bối cảnh các tập đoàn của Trung Quốc đang ngày càng toàn cầu hoá.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng các biện pháp kiềm chế đã tác động tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư và sáp nhập ở nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài trở nên do dự khi đầu tư vào Trung Quốc do quan ngại sẽ gặp vấn đề trong việc lấy về lợi nhuận.
Trung Quốc ước tính đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trừ lĩnh vực tài chính trong tháng 3 vừa qua đã giảm 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm trong cả quý I là gần 49%.
Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định ủng hộ đầu tư hợp pháp ra nước ngoài, song nhà chức trách cũng cảnh báo sẽ theo dõi chặt chẽ việc đầu tư "không hợp lý" trong lĩnh vực bất động sản, giải trí, thể thao và các lĩnh vực khác.

Nguồn: bnews.vn