Chính sách thông thoáng
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Zhu Guangyao mới đây đã cho biết sẽ dỡ bỏ giới hạn mức đầu tư cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và cho phép các DN nước ngoài chiếm đa số trong các công ty chứng khoán, quỹ tín dụng và các công ty bảo hiểm nội địa.
Do đó, các nhà đầu tư quốc tế có thể sở hữu 51% cổ phần tại các hãng chứng khoán, đầu tư hay bảo hiểm. Mặc dù Thứ trưởng Zhu cho biết chính quyền Bắc Kinh sẽ sớm áp dụng quy định này nhưng không nói rõ cụ thể là khi nào. Các nhà quản lý vẫn đang tiếp tục soạn thảo các quy tắc chi tiết và sẽ sớm công bố.
Chính sách mới này sẽ cho phép các công ty tài chính toàn cầu tiếp cận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thể hiện đường lối toàn cầu hóa của Chủ tịch Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng và cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua.
Trong thực tế, mặc dù thị trường tài chính Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới với 33 nghìn tỷ USD tài sản nhưng trong thời gian qua những ngân hàng lớn trên thế giới hầu như vắng bóng ở thị trường này. Riêng chỉ có ngân hàng HSBC nắm 19% cổ phần ngân hàng viễn thông tại đây nhưng không triển khai nhiều dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện mở rộng giới hạn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một động thái giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nước.
Trong thời gian qua, những ngân hàng lớn của Trung Quốc cho vay quá nhiều tiền với những công ty quốc doanh đang hoạt động không hiệu quả. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên gần đây nhận định chính việc thiếu cạnh tranh đã khiến ngành tài chính nước này trở nên hoạt động ngày càng kém hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, Thống đốc Xuyên kêu gọi mở cửa hơn nữa thị trường tài chính nhằm đối phó với tình trạng hoạt động kém hiệu quả của ngành ngân hàng Trung Quốc, khiến hàng loạt công ty quốc doanh ngập trong những khoản nợ khổng lồ.
Song song với việc nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần, Trung Quốc sẽ cho phép các ngân hàng nước ngoài được tự do hơn trong việc lựa chọn hình thức và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, khuyến khích chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh trái phiếu chính phủ, nới lỏng những hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài trong hoạt động bán lẻ sử dụng đồng Nhân dân tệ; đồng thời điều chỉnh yêu cầu quản lý vốn kinh doanh và phương thức kiểm tra, giám sát đối với chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, CBRC cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chế độ giám sát và quản lý một cách đồng bộ và xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro để đảm bảo sự tương ứng giữa năng lực quản lý và giám sát với mức độ mở cửa đối với bên ngoài.
Thu hút nguồn vốn nước ngoài
Các công ty tài chính nước ngoài ngay lập tức hoan nghênh động thái này. JP. Morgan Chase & Co và Morgan Stanley đang tiến hành đàm phán với chính phủ và một số DN nội địa tiềm năng chỉ một ngày sau khi thông tin công bố. UBS Group AG sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng vốn cổ phần trong các hệ thống liên doanh với Trung Quốc.
TS. Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế châu Á của Mizuho Securities Asia Ltd. tại Hong Kong nhận định đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục mở cửa và định hướng thị trường tài chính theo tính toàn cầu hóa. Còn theo Bloomberg, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng với giới đầu tư nước ngoài, các ngân hàng quốc tế và các công ty chứng khoán từ lâu đang mệt mỏi với các hạn chế về vốn và tỷ lệ sở hữu trong nền tài chính Trung Quốc.
Các quy định nới lỏng có thể sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các định chế tài chính nước ngoài tại Trung Quốc cả về số lượng cũng như quy mô tài sản hiện đang ở con số hết sức khiêm tốn.
Theo thống kê của CBRC, tính tới cuối tháng 11/2017, Trung Quốc có 210 tổ chức tài chính ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 39 ngân hàng có sự tham gia góp vốn của pháp nhân nước ngoài, 17 tổ chức tài chính nông thôn loại hình mới có vốn đầu tư nước ngoài, 31 tổ chức tài chính phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và 123 chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài.
Tổng tài sản của khối ngân hàng ngoại ở nước này là 2.900 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 436 tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2016, tức là chỉ chiếm 1,26% tổng tài sản toàn ngành. Đồng thời, lợi nhuận của các nhà băng quốc tế trong năm ngoái xấp xỉ 12,8 tỷ Nhân dân tệ, chưa bằng 1% các ngân hàng Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của KPMG, tỷ suất lợi nhuận trung bình trên tài sản và vốn chủ sở hữu của khối ngoại chỉ bằng một nửa so với khối nội.
 Nguồn: Thái Hồng/thoibaonganhang.vn