Để tiến đến và duy trì vị trí đó là cả một chuỗi mắt xích gắn kết rất chặt chẽ, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau từ nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và người tiêu dùng… TBKTSG Online có dịp tìm hiểu chuỗi liên kết nông nghiệp đặc biệt đó trong một dịp đến Pháp hồi tháng 10.

Chuyện của một nông dân Pháp
Ông Bertot Thierry, một nông dân ở vùng Normandie, nhẹ nhàng kẹp vào tai con bê mới sinh một ngày tuổi hai tấm biển hiệu màu vàng nhạt. Trên đó ghi mã số quốc gia, tỉnh, trang trại, và một dãy số mà mỗi con bò đều phải mang suốt đời. Sau đó, ông phải khai báo thông tin về con bê trên trang web của cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu không có biển hiệu, cơ quan chức năng sẽ phạt chúng tôi rất nặng và buộc phải tiêu hủy bò”, ông Thierry nói.
Ông phải trả 5 euro cho tấm bảng đó, mà nhờ nó ông không bao giờ phải lo mất trộm bò hay lo bò lạc và giúp truy suất nguồn gốc bò khi bán thịt sau này.
Đàn bò sữa 90 con cung cấp cho ông Thierry 900.000 lít sữa mỗi năm. Tất cả số sữa này được bảo quản lạnh theo quy trình nghiêm ngặt và phải được bán cho hợp tác xã trong vùng, tổ chức giúp xây dựng phòng thí nghiệm cho mỗi hộ nuôi bò. Khi đến thu mua sau mỗi ba ngày, người của hợp tác xã đều kiểm nghiệm chất lượng sữa, hàm lượng protein, vi khuẩn và đặc biệt là dư lượng kháng sinh, những chỉ số quyết định giá sữa cao hay thấp.
Điều đáng lo nhất ngại nhất là dư lượng kháng sinh. Ông Thierry giải thích: “Nếu phát hiện chất kháng sinh thì họ sẽ không thu mua và chúng tôi phải bỏ toàn bộ sữa trong bồn”.
Chính vì thế, ông Thierry cho biết, khâu thức ăn cho bò là rất quan trọng. Ông dành 20 ha trong tổng số 135 ha đất được thừa kế từ bố mẹ chỉ để trồng cỏ nuôi bò. Trang trại của ông cho bò ăn cỏ và bắp (ngô) chứ không dùng thức ăn công nghiệp do lo ngại thức ăn được trộn từ nhiều nguồn khác nhau, không đảm bảo chất lượng và có thể gây bệnh cho đàn bò.
Song, vấn đề của ông chính là giá sữa, thường được mua với giá 308 euro cho 1.000 lít. “Giá đó là quá thấp và không có lãi. Do chúng tôi xây dựng trang trại 20 năm hết khấu hao rồi nên còn chịu được, chứ bây giờ chả ai dám đầu tư mới”, ông nói và cho biết thêm, giá sữa phải lên 350 euro thì nông dân Pháp mới có lãi.
Vai trò của các nhà khoa học
Con bê ở trang trại của ông Thierry được uống sữa mẹ trong khoảng 10 ngày đầu tiên, trong khi những con bò sữa được thả ra đồng cỏ, được nghe nhạc và hưởng thụ máy mát xa.
Những hành động đó được Giáo sư Pierre Demont của Viện Đại học nghiên cứu thực phẩm, thú ý, nông học và môi trường (VetAgro Sub) đóng tại thành phố Lyon, mô tả là quyền của động vật, khái niệm đã được thừa nhận tại Pháp và nhiều nước châu Âu.
Ông nói, theo quan niệm trước đây, người ta coi động vật như tài sản, việc mua bán gia súc cũng như mua bán tài sản khác. Gần đây có sự thay đổi trong nhận thức, động vật không phải là tài sản mà là những cá thể đặc biệt, thậm chí nhiều người cho rằng gia súc có quyền như người. Do đó, Pháp có những thay đổi về pháp luật, áp đặt những quy định chặt chẽ về mối quan hệ giữa con người và động vật, trong chăm sóc động vật, quy định lò giết mổ ngặt nghèo hơn trước sao cho giết mổ không tàn nhẫn.
Giáo sư Pierre Demont cho biết, Pháp có đàn bò sữa lên đến 19 triệu con và có quy định rất chặt chẽ trong việc sử dụng thức ăn cho gia súc. Việc trộn kháng sinh tăng trọng vào thức ăn bị cấm hoàn toàn và lệnh cấm có hiệu lực hơn 10 năm nay. Trong trường hợp kháng sinh được sử dụng để chữa bệnh cho gia súc, Chính phủ đưa ra một danh sách hạn chế các loại kháng sinh có thể được sử dụng; chứ người nuôi không được tự ý sử dụng bất cứ loại kháng sinh nào để điều trị cho gia súc.
Điều đáng ngạc nhiên là VetAgro Sup là trường quốc gia của Pháp nhưng mỗi năm chỉ tuyển vỏn vẹn 120 sinh viên để đào tạo thành bác sĩ thú y. Nhà trường giải thích, nếu đào tạo quá nhiều bác sĩ thú y sẽ tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm lương và gây lãng phí.
Ông Olivier Faugere, Giám đốc Trường thú y quốc gia thuộc VetAgro Sub cho biết, tại Pháp chỉ có 1.000 công chức trong lĩnh vực thú y. Những người này có vai trò tổ chức mạng lưới ngăn chặn dịch bệnh gia súc, kiểm soát an toàn thức ăn gia súc. Khi có dịch bệnh như cúm gà, bò điên... thì 1.000 công chức này đóng vai trò lãnh đạo mạng lưới bác sĩ thú y trên cả nước. Họ có quyền chỉ định tiêu huỷ đàn gia súc, các bác sĩ thú y tư là những người thực thi.
Khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh, Pháp sẽ ra thông báo dịch chỉ trong vòng 24 giờ với Tổ chức Y tế thế giới và tổ chức này sẽ thông báo trên toàn cầu. Ông Faugere nói, đây là nghĩa vụ bắt buộc do Pháp đã ký các thỏa thuận quốc tế.
Nhà nước vẫn đóng vai trò lớn

Để có một nền nông nghiệp sạch và bền vững đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao của người tiêu dùng, Chính phủ Pháp một mặt áp dụng những chính sách rất nghiêm ngặt, một mặt hỗ trợ rất tốt cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Ông Alain Clergerie, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp cho biết, Pháp hiện có 13.500 doanh nghiệp và 474.000 cơ sở sản xuất nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. Những cơ sở sản xuất nhỏ đang có chiều hướng giảm dần do người sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, và đây là điều là Chính phủ Pháp đau đầu.
Ông Clergerie cho biết, chính phủ Pháp thực hiện rất nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu bán sản phẩm. Hàng năm có tới 30.000 cuộc kiểm tra tại các doanh nghiệp, hay chi nhánh ở từng tỉnh; 60.000 cuộc kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ, các cơ sở bán hàng, quán ăn, các chợ, siêu thị, các trang trại tự bán các sản phẩm, và các lô hàng trước khi nhập khẩu vào Pháp.
Ngân sách chi cho riêng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm dự kiến lên tới 5,3 tỉ euro năm 2018. Hệ thống đào tạo trực thuộc bộ có 371 trường, trong đó 2/3 số trường là trường tư, 1/3 là trường công.
Từ đầu những năm 2000, Pháp bắt đầu nhận thức về chuyện chuyển sang làm nông nghiệp sinh thái. Đến 2010, Chính phủ Pháp đặt ra khái niệm rõ ràng hơn là sản xuất nông nghiệp phải có hiệu quả kép về kinh kinh tế và môi trường. Đến 2012-2017, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp chính thức khởi động nông nghiệp sinh thái với khẩu hiệu “sản xuất theo cách khác” nhằm vừa bảo đảm đa dạng sinh học và vừa bảo đảm chất lượng qua các chương trình cụ thể như làm sao giữ được nước, giảm sử dụng các kháng sinh trong nuôi súc vật và các loài thụ phấn.
Ông Clergerie cho biết, Chính phủ Pháp đang quan tâm giải quyết hàng loạt các vấn đề để định hướng tương lai cho ngành nông nghiệp Pháp như làm sao tạo ra giá trị và đảm bảo sự phân chia công bằng; hỗ trợ để chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng; tạo điều kiện cho nông dân có thể được chi trả đúng mức vì hiện nay nhiều nông dân chưa được chi trả thỏa đáng; hỗ trợ tuyên truyền sao cho người tiêu dùng biết cách sử dụng sản phẩm có chất lượng và đảm bảo sức khỏe.

Nguồn: Tư Gia/Thời báo kinh tế Sài Gòn