Nỗi buồn lớn của nông, thủy sản
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 194,30 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng XK hơn 15% của năm 2018 so với năm 2017.
9 tháng qua, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 89,8% tổng kim ngạch XK. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất, đạt 38,6 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng giá trị XK. “Nhìn chung, tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 96,6%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 90,1%; giày dép chiếm 76,3%; hàng dệt may chiếm 59%“, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước tính đạt 382,72 tỷ USD, với kim ngạch XK hàng hóa đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD.

Xuyên suốt 9 tháng đầu năm, điểm dễ nhận thấy nhất trong “bức tranh“ XK hàng hóa của Việt Nam là sự sụt giảm mạnh của nhóm hàng nông, thủy sản. Số liệu mà Tổng cục Thống kê dẫn ra cho thấy, do giá XK bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước nên giá trị XK hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản 9 tháng đều giảm. Điển hình có thể kể đến như thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, giảm 1,7%; rau quả đạt 2,8 tỷ USD, giảm 4,6%; cà phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 20,7%; gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 9,7%...
Xung quanh câu chuyện buồn trong XK nông, thủy sản, Bộ NN&PTNT thừa nhận: Tốc độ tăng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, kim ngạch XK sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%). Với ngành thủy sản, mặc dù thời gian qua toàn ngành đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) nhưng tiến độ để giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam còn chậm. Một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu,…
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Hiện nay, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi đó không ít quốc gia đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK. Tất cả những điều này dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá XK nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng XK. Cũng theo ông Chinh, khó khăn còn đến từ việc hiện nay các nước NK nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
“Hụt hơi” so với 2017 và 2018
Trong những tháng cuối năm, XK hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Bộ Công Thương đánh giá, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các DN tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, tivi,..) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. “Bên cạnh đó, yếu tố thuận lợi cho XK hàng hóa còn là XK sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà NK Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư. Nếu DN Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng XK thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn“, Bộ Công Thương nhận định.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, XK hàng hóa từ nay tới hết năm được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức nổi cộm. Điển hình có thể kể tới căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại, có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước. 
Với riêng nhóm hàng nông sản, theo Bộ Công Thương, XK khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng năm trước. Điều này xuất phát từ những yếu tố như, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK khiến cho giá giảm sâu...
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. XK hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018. Dự báo, cả năm 2019 XK đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Thời gian tới, để thúc đẩy XK hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng XNK ở các thị trường và các ngành hàng. Ngoài ra, “tư lệnh“ ngành Công Thương cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ dính vào những tranh chấp thương mại, từ đó có những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao...
Nguồn: Baohaiquan.vn