Xuất siêu kỷ lục

Trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 21,125 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hết tháng 9 lên 179,467 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 19,513 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu hết tháng 9 lên 173,143 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017.

Tháng 9, thặng dư thương mại của nước ta lên đến 1,982 tỷ USD, cao hơn gần 1,3 tỷ USD so với ước tính trước đó (ước tính 700 triệu USD), qua đó giúp nước ta xuất siêu lên đến 6,324 tỷ USD tính hết tháng 9. Đây là mức thặng dư cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.

Hết tháng 9, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là điện thoại và linh kiện đạt 36,691 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2017.

Các mặt hàng khác là dệt may đạt 22,45 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,851 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,14 tỷ USD; giày dép 11,738 tỷ USD.

Trước đó, theo phân tích của Bộ Công Thương, trong 9 tháng qua, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017. 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương thời gian qua.

Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt chỉ tiêu

Theo dự báo của Bộ Công Thương, những tháng cuối năm, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự phục hồi của nhu cầu thế giới. Tăng trưởng nói chung thể hiện mạnh mẽ ở các nền kinh tế tiên tiến, mặc dù đã chậm lại ở nhiều nước trong số đó, bao gồm các nước trong khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Anh.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong những tháng qua chưa gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng đã thể hiện kết quả tích cực do tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Mặc dù vậy, về lâu dài, căng thẳng trong quan hệ chính trị, thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn là những thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu.

Chưa kể, chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Mức thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra trong những tháng đầu năm 2018 ở mức cao. Mặc dù vậy, mức thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra Hoa Kỳ công bố gần đây nhất (trong tháng 9) đã giảm nhiều so với mức thuế công bố sơ bộ, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Sự tăng trưởng của các nhóm hàng công nghiệp chế biến dự kiến sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, cao hơn con số Quốc hội yêu cầu (6-7%) và Chính phủ “đặt hàng” (8 - 10%), đạt khoảng 239 tỷ USD.

Nguồn: Baocongthuong.com