Tại cuộc họp lần này, các bộ trưởng OPEC+ xác định xem liệu việc giá dầu tăng từ khoảng 52 USD/thùng hồi đầu năm nay lên 67 USD/thùng vào cuối tháng 2/2021 có đảm bảo đủ điều kiện để nhóm nâng sản lượng lên hay không, giữa bối cảnh lo ngại cuộc khủng hoảng Covid-19 có giáng thêm đòn nào nữa vào nền kinh tế toàn cầu nói chung và nhu cầu nhiên liệu nói riêng hay không.
Trước thềm cuộc họp của OPEC+, tối 4/3 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 1,11 USD (1,7%) lên 65,18 USD/thùng, dầu Tây Texas (WTI) cũng tăng 1,07 USD (1,8%) lên 62,35 USD/thùng.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã kêu gọi các thành viên hãy thận trọng và cảnh giác về kế hoạch nâng dần sản lương dầu mỏ.
Trước đó, hôm 2/3, một tài liệu của các chuyên gia OPEC+ cũng kêu gọi "sự lạc quan thận trọng" với lý do "những bất ổn tiềm ẩn trên thị trường dầu hàng thực và yếu tố vĩ mô, trong đó có nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến xấu đi. OPEC+ cho biết, đợt tăng giá dầu gần đây có thể được thúc đẩy bởi những nhà đầu cơ trên thị trường dầu mỏ hơn là những cải thiện về các nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Ở kỳ họp trước, Nga đã kiên quyết nâng sản lượng dầu để tránh việc giá tăng cao hơn nữa – có thể lại dẫn tới làn sóng nâng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, quốc gia không thuộc vào nhóm OPEC+.
Mowcow đã muốn nâng sản lượng của mình kể từ tháng 2, song họ đã không thực hiện được điều đó do mùa Đông khắc nghiệt ảnh hưởng tới sản lượng của các mỏ dầu chủ chốt.
JP Morgan dẫn lời Denis Deryushkin, đại diện của Nga trong ủy ban kỹ thuật OPEC +, cho biết Moscow nhận thấy có một số lý do hợp lý trong việc đến lúc tăng sản lượng vì thị trường dầu đang thâm hụt 500.000 thùng/ngày.
Một nguồn tin cho biết, lần này, Moscow muốn tăng sản lượng thêm 0,125 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4.
Các nhà phân tích như ING, MUFG và SEB đều cho biết, thị trường có thể dễ dàng hấp thụ mức tăng sản lượng 1,0 triệu - 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới, và sẽ cần nhiều thùng hơn nữa vào nửa cuối năm 2021 khi nền kinh tế phục hồi hơn nữa sau đại dịch.
Các nhà phân tích và thương nhân dầu mỏ cho rằng đợt tăng giá dầu kéo dài 4 tháng qua, nâng giá dầu từ mức dưới 40 USD/thùng lên hiện nay đã cho thấy nguồn cung được siết chặt nhiều hơn mức giảm nhu cầu, và yếu tố cung – cầu sẽ đẩy giá tăng cho tới cuối năm 2021.
Tuy nhiên, với việc giá dầu trên 60 USD/thùng, một số nhà phân tích dự đoán OPEC+ sẽ nâng sản lương thêm khoảng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 4, và Saudi Arabia có thể sẽ chấm dứt một phần mức giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.
Theo ba nguồn tin từ OPEC+ cho hay, một số thành viên chủ chốt đã đề nghị giữ nguyên sản lượng của OPEC+ ở thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa nhóm sẽ kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng sang tháng 4. Mặc dù vậy, không ai đoán được Saudi Arabia có chấm dứt việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày hiện nay hay sẽ gia hạn.
OPEC trong báo cáo mới đây nhất dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2021 sẽ tăng 5,8 triệu thùng/ngày lên khoảng 96 triệu thùng/ngày. Con số này sẽ vẫn thấp hơn nhu cầu dầu trong năm 2019 khoảng 100 triệu thùng/ngày.
OPEC + đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào năm ngoái do nhu cầu giảm vì đại dịch. Tháng 3 năm nay, nhóm vẫn cắt giảm sản lượng 7,125 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 7% nhu cầu thế giới. Việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia nâng tổng số sản lượng bị kiềm chế lên tới 8,125 triệu thùng/ngày.
 

Nguồn: VITIC/Reuters