Nga đã bắt đầu thực hiện hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu lớn nhất của họ trong năm 2011 sau một cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhiên liệu. Họ cũng thay đổi hệ thống thuế của mình để hỗ trợ sản xuất sạch hơn và nhiên liệu chất lượng cao.
Việc hiện đại hóa này - vẫn chưa được hoàn thành - dẫn tới tăng vọt sản xuất các sản phẩm nhẹ và xuất khẩu, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Âu.
Nhóm chuyên gia của công ty Vygon Consulting dự kiến khối lượng lọc dầu của Nga tăng 8 triệu tấn trong năm nay, phù hợp với mức cao kỷ lục 289 triệu tấn đạt được trong năm 2014 nhờ hiện đại hóa và giá dầu đang tăng.
Công ty tư vấn này dự báo xuất khẩu các sản phẩm dầu nhẹ của Nga, gồm dầu diesel, sẽ tăng trong năm nay lên 106 triệu tấn từ khoảng 95 triệu tấn trong năm 2017 do tiêu thụ trong nước sụt giảm.
Theo Transneft, công ty độc quyền đường ống dẫn dầu của Nga, hơn 38% sản phẩm dầu mỏ từ cảng Primorsk biển Baltic, cảng xuất khẩu chủ chốt của Nga xuất sang cảng Rotterdam của Hà Lan, tiếp sau là Đức 19%, Anh 15% và Pháp 11%.
Theo số liệu Primorsk, họ có kế hoạch xuất khẩu 18,3 triệu tấn dầu diesel trong năm nay, tăng mạnh lên 19,8 triệu tấn trong năm 2019 và 23,9 triệu tấn trong năm 2020.
Tổng cộng, Transneft có mục tiêu tăng xuất khẩu dầu diesel lưu huỳnh cực thấp ( ULSD) - loại dầu diesel sạch nhất được sử dụng bởi những người lái ô tô ở châu Âu - thêm 3 triệu tấn lên 26 triệu tấn trong năm nay.
Andrew Reed, một nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng ESAI trụ sở tại Mỹ cho biết nhờ đầu tư tách tạp chất rộng rãi, diesel của Nga đã trở thành một sản phẩm sạch phù hợp với châu Âu.
Ông cho biết “hiện nay Nga xuất khẩu hơn 650.000 thùng ULSD mỗi ngày, cho phép họ đưa hơn 500.000 thùng sản phẩm đó mỗi ngày vào thị trường này”. “Việc xuất khẩu thêm dầu diesel sạch sẽ cho phép Nga tiếp tục mở rộng thị phần tại châu Âu - gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu đang cạnh tranh ở Mỹ và Trung Đông”.
Với khoảng một nửa ô tô của châu Âu được bơm dầu diesel và các nhà máy lọc dầu của họ không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, khu vực này nhập khẩu khoảng 850.000 thùng dầu diesel mỗi ngày. Gần 20% lượng nhập khẩu diesel của châu Âu đến từ các nhà máy lọc dầu phía đông của Suez, theo công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects.
Theo các nguồn tin trong ngành và số liệu của Reuters, Nga có kế hoạch sản xuất 15 bộ phận cracking bằng hydro cho phép họ sản xuất tới 18,2 triệu tấn ULSD vào năm 2022.
Tổng sản lượng dầu diesel, gồm cả loại không ULSD, có thể đạt 22 triệu tấn nếu tất cả 27 bộ phận chuyển đổi dư lượng nhiên liệu dầu mỏ được đưa vào hoạt động.
Cũng như sản lượng dầu diesel ngày càng tăng, Nga cũng theo xu hướng sản xuất thêm xăng. Các bộ phận tương tự cũng có thể sản xuất tới 10 triệu tấn naphtha mỗi năm vào năm 2022.
Eugene Lindell tại công ty JBC Energy trụ sở tại Vienna cho biết “chúng tôi dự kiến nguồn cung xăng của Nga tăng trưởng mạnh trong năm nay. Tăng trưởng trong sản lượng bắt đầu nửa cuối năm 2017 (0,4 điểm phần trăm), đã được hỗ trợ bởi công suất mới”.
Việc sử dụng dầu diesel tại châu Âu đã được kiểm tra kỹ lưỡng kể từ khi Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu thừa nhận gian lận kiểm tra khí thải của Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô của Đức gồm Daimler và BMW đã đối mặt với phản ứng dữ dội chống lại công nghệ diesel mà họ đã đầu tư hàng tỷ USD.
Chính quyền Đức đã tìm các cách để tránh lệnh cấm sử dụng xe chạy diesel gây ô nhiễm nghiêm trọng ở các thành phố lớn sau khi có phán quyết của tòa án.
JBC Energy cho biết mặc dù doanh số bán ô tô sử dụng xăng mới tại châu Âu đang tăng, nhưng sự thay đổi vẫn chưa buộc dầu diesel ra khỏi thị trường này, điều này đang đe dọa tới kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu diesel của Nga sang châu Âu ít nhất cho đến nay.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet