Vào tháng 3/2021, OPEC đã điều chỉnh tăng nhẹ trong dự báo nhu cầu năm nay, nhưng họ đã hạ dần mức dự báo từ 7 triệu thùng/ngày dự kiến hồi tháng 7/2020. Bên cạnh đó, OPEC cũng nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 từ 5,1% lên 5,4%, với giả định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ "được kiềm chế phần lớn" vào nửa cuối năm nay. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, được hỗ trợ đáng kể bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có.

Mặc dù OPEC cho biết các nước sản xuất dầu ngoài OPEC đang thúc đầy nguồn cung, song tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng sản lượng dầu của các nước ngoài nhóm năm 2021 ổn định ở gần 1 triệu thùng/ngày.

Năm 2020, OPEC + đã cắt giảm nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thị trường dầu mỏ khi nhu cầu suy giảm vì đại dịch. Hầu hết mức cắt giảm đó vẫn được giữ nguyên, kể cả sau quyết định vào ngày 1/4. OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 28/4 tới.
Khác với những đánh giá bi quan trong báo cáo trước đó, lần điều chỉnh tăng này của OPEC cho thấy sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch 14/4, dầu Brent tăng 2,91 USD (4,6%) lên 66,58 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,97 USD (4,9%) lên 63,15 USD/thùng.
Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu Mỹ đang hoạt động với công suất lên đến 85%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong tháng 3/2021, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng mạnh, bổ sung động lực hồi phục kinh tế cho quốc gia này và chứng tỏ nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên trong bối cảnh việc tiêm chủng vắc xin có nhiều tiến triển. Nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm. Trong đó, riêng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 3/2021, từ mức thấp nhất 1 năm ở tháng 2/2021, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.
Đồng USD yếu đi cũng tạo lực đẩy cho mặt hàng dầu mỏ. Hiện USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Dịch Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp, sau Châu Âu đến Châu Á. Ấn Độ hiện chiếm 1/6 số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, trong khi số ca nhiễm ở các nước Châu Á khác cũng gia tăng.
Việc Mỹ ngày 13/4 tạm dừng tiêm vắc-xin Covid-19 một mũi do hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất càng làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19 đến sự hồi phục nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ.
Theo Stephen Brennock - nhà môi giới dầu mỏ của PVM, mặc dù có nhiều lý do để lạc quan, song các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn khi dịch bệnh gia tăng ở châu Âu, Ấn Độ và một số thị trường mới nổi, trong khi việc triển khai vắc-xin chậm hơn so với dự kiến.
Nhu cầu dầu của châu Á vẫn yếu và một số khách hàng đã giảm lượng dầu mua trong tháng 5/2021, một phần do các nhà máy lọc dầu trong kỳ bảo dưỡng và giá dầu gần đây tăng cao.

Nguồn: VITIC/Reuters