Giảm nguồn cung từ hai nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Iraq giúp tăng cường mức tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC lên 89%, tăng 5 điểm phần trăm so với tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn mức trên 90% đã đạt được hồi đầu năm nay.
Sụt giảm sản lượng từ Libya và sản lượng không tăng tiếp từ Nigeria sẽ làm giảm lo ngại rằng sản lượng thêm từ hai quốc gia này có thể lấn át việc cắt giảm ở những nơi khác. Libya và Nigeria được miễn trừ khỏi cắt giảm sản lượng do xung đột đã hạn chế sản lượng của họ.
Ole Hansen, một nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank cho biết “sản lượng của Libya đã giảm hơn 350.000 thùng/ngày trong tuần qua”.
Mức tuân thủ cao và sản lượng giảm nhiều tại các nước được miễn trừ đã đẩy nguồn cung giảm trong đầu năm 2017. Nhưng sản lượng thêm từ Libya và Nigeria, mức tuân thủ đang giảm tại một số nước đã thúc đẩy sản lượng tăng lên mức cao năm 2017 vào tháng trước.
Để giải quyết điều này, các bộ trưởng tại cuộc họp ngày 24/7 đã chuyển sang hạn chế sản lượng của Nigeria, mặc dù họ đã không yêu cầu Libya tham gia thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, và kêu gọi một vài thành viên tăng cường mức tuân thủ.
Sản lượng giảm mạnh nhất trong tháng 8 đến từ Libya, nơi sản lượng giảm xuống trung bình 900.000 thùng/ngày do bất ổn buộc phải đóng cửa mỏ dầu Sharara lớn nhất nước này cộng với một số nơi khác đưa sự phục hồi nguồn cung ở mức an toàn hiện nay.
Nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu Saudi Arabia đã cắt giảm nguồn cung do xuất khẩu giảm, mặc dù điều này được bù bởi nhu cầu dầu thô tăng thêm trong nước và xuất khẩu tăng trong nửa cuối tháng 8. Các nhà máy điện của Saudi đốt thêm dầu thô trong những tháng nóng mùa hè.
Một nguồn tin theo dõi sản lượng của Saudi Arabia cho biết “có xuất khẩu mạnh trong vài ngày cuối tháng. Chúng tôi có thể thấy xuất khẩu chỉ giảm nhẹ so với tháng 7”.
Nguồn cung của Iraq giảm nhẹ so với tháng 7 do xuất khẩu giảm từ miền nam và miền bắc của nước này - mặc dù Baghdad có một số cách để phù hợp với mức tuân thủ của các nhà sản xuất lớn khác.
Trong số các nước có sản lượng tăng, Angola đã xuất khẩu nhiều hơn so với trong tháng 7 và nguồn cung từ Nigeria tăng.
OPEC đã thông báo mục tiêu sản lượng 32,5 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, dựa trên cơ sở số liệu thấp từ Libya và Nigeria. Mục tiêu này gồm Indonesia nước đã rời bỏ OPEC và không gồm Guinea Xích đạo, nước mới nhất tham gia OPEC.
Theo khảo sát này, sản lượng trong tháng 8 đạt trung bình 32,68 triệu thùng/ngày, cao hơn 930.000 thùng/ngày so với mục tiêu đã điều chỉnh bỏ Indonesia và không gồm Guinea Xích đạo.
Tính cả Guinea Xích đạo, tổng sản lượng của OPEC trong tháng 8 đạt 32,83 triệu thùng/ngày, giảm 170.000 thùng/ngày so với tháng 7.
Khảo sát của Reuters dựa trên số liệu xuất khẩu cung cấp bởi các nguồn khác, số liệu của Thomson Reuters, và thông tin được cung cấp bởi các công ty dầu mỏ, OPEC và công ty tư vấn.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet