OPEC đã bơm 32,28 triệu thùng/ngày trong tháng 2, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 1. Sản lượng của OPEC trong tháng 2 là thấp nhất kể từ năm 2014.
Giá dầu trong tháng 1 đã vượt 71 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, và hiện đang giao dịch trên 65 USD/thùng. Tuy nhiên OPEC cho biết việc hạn chế nguồn cung nên duy trì để đảm bảo kết thúc dư cung toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng UAE, Suhail al-Mazrouei đã trả lời Reuters rằng “chúng tôi vẫn cảm thấy công việc này chưa hoàn thành”. “Giá là một việc, việc tái cân bằng thị trường là một việc khác và chúng tôi cần cân bằng thị trường này”.
OPEC đang giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày như một phần của thỏa thuận với Nga và các nhà sản xuất ngoài OPEC khác. Hiệp ước này bắt đầu từ tháng 1/2017 và sẽ kéo dài đến hết năm 2018.
Trong tháng 2, sự sụt giảm lớn nhất trong nguồn cung đến từ UAE, nước giữ chức vụ chủ tịch luôn phiên của OPEC trong năm nay và sự cắt giảm sản lượng của nước này chậm hơn so với các đồng minh OPEC vùng Vịnh trong năm 2017 để đáp ứng cam kết cắt giảm nguồn cung hoàn toàn.
Sản lượng của UAE giảm 50.000 thùng/ngày xuống dưới mục tiêu của OPEC, phản ánh một nỗ lực tăng cường tuân thủ và duy trì các mỏ đã quy hoạch.
Libya là nước giảm sản lượng thứ hai, với sản lượng giảm 30.000 thùng/ngày do đóng cửa mỏ El Feel sau một cuộc chống đối của bảo vệ. Điều này kéo giảm sự phục hồi trong nguồn cung của Libya, đã đạt 1 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2018.
Sản lượng đã giảm tiếp tại Venezuela, nơi ngành dầu mỏ thiếu tiền do khủng hoảng tiền mặt, Xuất khẩu giảm trong tháng 2, mặc dù hoạt động lọc dầu tăng.
Sản lượng tại hai nhà sản xuất lớn nhất OPEC thay đổi ít.
Nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia giữ sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày. Nguồn cung vẫn dưới mục tiêu của OPEC cho vương quốc này.
Iraq nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC đã xuất khẩu ít hơn từ miền nam, do thời tiết xấu làm trì hoãn xuất khẩu. Nước này đã xuất khẩu thêm từ miền bắc.
Xuất khẩu của miền bắc Iraq tăng sau một thỏa thuận của chính phủ với chính quyền người Kurd để khôi phục xuất khẩu dầu Kirkuk qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù khung thời gian cụ thể không được tiết lộ.
Trong số các nước có sản lượng tăng, tăng mạnh nhất hơn 20.000 thùng/ngày là Nigeria.
Nigeria và Libya ban đầu được miễn trừ khỏi thỏa thuận nguồn cung do sản lượng của họ bị hạn chế bởi xung đột và bất ổn. Trong năm 2018, cả hai nước cho biết sản lượng sẽ không vượt mức năm 2017.
OPEC có mục tiêu sản lượng năm 2018 là 32,73 triệu thùng/ngày, dựa trên chi tiết cắt giảm cuối năm 2016 và có tính đến sự thay đổi thành viên kể từ đó, cộng với sản lượng dự kiến của Nigeria và Libya năm 2018.
Theo khảo sát này, OPEC đã bơm dưới mục tiêu 450.000 thùng/ngày trong tháng 2. Khảo sát này dựa trên số liệu từ các nguồn bên ngoài, Thomson Reuters và thông tin cung cấp bởi các công ty dầu mỏ, OPEC và các công ty tư vấn.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet