OPEC đã bơm 32,32 triệu thùng/ngày trong tháng 6, tăng 320.000 thùng/ngày so với tháng 5. Tổng sản lượng của OPEC trong tháng 6 là cao nhất kể từ tháng 1/2018, theo khảo sát của Reuters.
Động thái của Saudi Arabia đến do Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi Riyadh bù cho thiếu hụt bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran và để giảm giá dầu đã đạt 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
OPEC và các nhà sản xuất ngoài tổ chức này tháng trước đã đồng ý trở lại tuân thủ 100% theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1/2017, sau nhiều tháng sản xuất sụt giảm ở Venezuela và các nước khác đã thúc đẩy mức tuân thủ hơn 160%.
Saudi Arabia cho biết quyết định của OPEC sẽ chuyển thành tăng sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày, mặc dù tuyên bố của tổ chức này không đưa ra khối lượng rõ ràng.
Một khảo sát được công bố hôm 29/6 cho thấy Saudi Arabia đã tăng nguồn cung thành 10,7 triệu thùng/ngày trong tháng 6, gần mức kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày để bù cho thiếu hụt tại Venezuela và các nước khác, thiếu hụt dự kiến tại Iran.
Điều này đã giảm mức tuân thủ của OPEC theo mục tiêu nguồn cung xuống 110% từ 167% trong tháng 5, nghĩa là tổ chức này vẫn cắt giảm nhiều hơn so với thỏa thuận ngay cả sau khi Saudi Arabia tăng sản lượng.
Sự gia tăng sản lượng của Saudi Arabia, trước cuộc họp của OPEC tại Vienna vào 22/6, đã gây tức giận cho Iran và ngạc nhiên cho một số thành viên OPEC khác.
Các đồng minh vùng Vịnh của Saudi Arabia, Kuwait và UAE vẫn chưa tuân theo chỉ đạo của Saudi Arabia, giữ sản lượng ổn định trong tháng 6.
Trong các thành viên OPEC khác, Algeria cũng tăng sản lượng trong tháng 6 do giảm ảnh hưởng từ bảo dưỡng và Iraq đã bơm thêm khi xuất khẩu ở miền nam của họ tăng.
Sự sụt giảm lớn nhất đến từ Libya do bất ổn. Sản lượng giảm mạnh từ gần 1 triệu thùng/ngày sau khi một cuộc tấn công hồi giữa tháng 6 tại các cảng Ras Lanuf và Es Sider đã đóng cửa chúng.
Nguồn cung tại Nigeria giảm do việc nạp dầu chậm trễ đang ảnh hưởng tới một vài dòng dầu thô của nước này. Sản lượng của Iran - được dự kiến sụt giảm do việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ không khuyến khích các công ty mua dầu của nước này - đã giảm trong tháng 6 do xuất khẩu giảm từ những mức cao trong tháng 4 và tháng 5.
Sản lượng giảm tiếp tại Venezuela, nơi ngành dầu mỏ bị cạn kiệt tiền mặt do khủng hoảng kinh tế.
OPEC có mục tiêu sản lượng năm 2018 là 32,78 triệu tấn, dựa vào chi tiết cắt giảm cuối năm 2016 và có tính đến sự thay đổi của các thành viên kể từ đó, cộng với dự kiến sản lượng năm 2018 của Nigeria và Libya.
Theo khảo sát này, OPEC đã bơm dưới mục tiêu này khoảng 460.000 thùng/ngày trong tháng 6, ít nhất do sự sụt giảm tại Venezuela và sự sụt giảm tương tự ở Angola, nơi cuộc khảo này thấy sản lượng tiếp tục giảm trong tháng 6.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet