Giá dầu ngày 12/12/2018 tăng hơn 1%, được hậu thuẫn bởi kỳ vọng OPEC cắt giảm nguồn cung trong năm 2019 sẽ khiến thị trường ổn định, cũng như kỳ vọng chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm bớt.

Sự gián đoạn xuất khẩu dầu Libya sau khi dân quân địa phương chiếm giữ mỏ dầu lớn nhất nước này - El Sharara – cũng hỗ trợ giá.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 69 US cent tương đương 1,15% lên 60,89 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) kỳ hạn  tăng 60 US cent tương đương 1,2% lên 52,25 USD/thùng. Song, kể từ đầu tháng 10/2018 đến nay, giá dầu thô đã giảm 1/3 trị giá.

Giá dầu tăng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra nhằm xoa dịu tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường dầu là quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất không thuộc OPEC bao gồm Nga trong tuần trước đã cắt giảm nguồn cung thêm 1,2 triệu thùng/ngày.

ANZ cho biết: “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ ổn định thị trường”. Một số nhà phân tích cảnh báo, thỏa thuận cắt giảm này có thể không như mong đợi.

Fereidun Fesharaki thuộc công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết: “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ không có khả năng làm giảm lượng dự trữ trong 3 tháng đến cuối quý 1/2019. Dự kiến giá dầu sẽ dao động ở mức 55-60 USD/thùng đối với Brent, và WTI sẽ thấp hơn  5-10 USD/thùng so với mức hiện tại”. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.  Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kết thúc năm 2018, Mỹ là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, trước Nga và Saudi Arabia, sản lượng trung bình năm của quốc gia này sẽ đạt 10,88 triệu thùng/ngày. Mức tăng sản lượng trong năm 2018 sẽ là 1,53 triệu thùng/ngày, và dự kiến sản lượng sẽ đạt mức chưa từng có lên 12,06 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Nguồn: VITIC/Reuters

 

Nguồn: vinanet