Nguyên nhân giá gas điều chỉnh giảm do giá gas thế giới bình quân tháng 4/2017 vừa công bố ở mức 460 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn so với tháng 3/2017 nên giá gas trong nước được điều chỉnh giảm theo, nhằm bảo đảm tuân thủ quy luật thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện tại, mức giá gas mới đã được thông báo đến các đại lý, cửa hàng kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam. Mức giá giảm sẽ được áp dụng kể từ 7h30’ ngày 1/4, đồng thời mức giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại khu vực phía nam sẽ ở mức trung bình khoảng 310.000-320.000 đồng/bình 12 kg.
Thế giới
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến nhiều phiên tăng mạnh, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đón nhận những thông tin về tình trạng thắt chặt nguồn cung.
Sau khi đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần (27/3), giá dầu thô thế giới lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 28/3, theo sau báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất dầu của Libya đã bị gián đoạn, làm dịu bớt lo ngại về tình trạng nguồn cung toàn cầu dư thừa. Các phương tiện truyền thông cho biết sản xuất dầu ở các mỏ dầu phía Tây Libya đã bị ảnh hưởng bởi các phe phái vũ trang, làm giảm khoảng 1/3 sản lượng dầu của nước này.
Sang phiên giao dịch ngày 29/3, giá dầu thế giới tăng hơn 2% do kho dầu dự trữ của Mỹ tăng ít hơn dự đoán và khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn dắt sẽ được gia hạn.
Phiên này, giá dầu thô Mỹ tăng lên gần mức cao nhất trong hai tuần sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này tăng 867.000 thùng hồi tuần trước, gần như chỉ bằng một nửa con số dự đoán. Giới phân tích dự báo kho dự trữ dầu của Mỹ sẽ vơi đi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này cũng được hỗ trợ bởi tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh ngày 28/3 cho biết OPEC và các nước sản xuất dầu khác có thể sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã đạt được trước đó.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy, sản lượng của cả 13 nước thành viên OPEC đã giảm 230.000 thùng/ngày trong tháng Ba so với số liệu đã được điều chỉnh lại của tháng Hai, cho thấy khối này đã tuân thủ 95% thỏa thuận cắt giảm.
Tới phiên giao dịch ngày 30/3, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất ba tuần qua, trong bối cảnh Kuwait lên tiếng ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC nhằm giảm tình trạng dư dôi nguồn cung trên toàn cầu.
OPEC đã cam kết cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ ngày 1/1/2017 và kéo dài đến hết tháng Sáu năm nay. Thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đầu tiên của OPEC kể từ năm 2008 này có thể được gia hạn thêm. Trong khi đó, các nước ngoài OPEC cam kết giảm sản lượng ở mức một nửa con số trên.
Trong phiên cuối tuần (31/3), giá hai mặt hàng dầu mỏ chủ chốt biến động trái chiều với giá dầu Brent giảm 13 xu Mỹ xuống 52,83 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 25 xu Mỹ lên 50,60 USD/thùng.
Bất chấp đà tăng mạnh trong tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ghi nhận một quý “tồi tệ”, khi mối lo ngại về tình trạng dư cung vẫn chưa thôi “ám ảnh” thị trường này. Tính chung trong quý I/2017, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ đã lần lượt giảm 7% và 5,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2015.
Nguồn: VITIC tổng hợp/TTXVN