Theo thông tin điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đồng loạt giảm giá bán lẻ từ 15h ngày 1/6. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 380 đồng, xăng E5 RON 92 là 269 đồng, dầu diesel giảm 220 đồng, dầu hoả 197 đồng và madut 182 đồng một kg.
Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng RON 95 tối đa 21.219 đồng; xăng E5 RON 92 là 20.219 đồng; dầu diesel không cao hơn 17.394 đồng; dầu hoả 16.225 đồng...

Cùng với giảm giá bán, nhà chức trách vẫn tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92, mức 398 đồng một lít, giảm 59 đồng so với kỳ điều hành cách đây 15 ngày. Các mặt hàng dầu và xăng RON 95 không chi Quỹ bình ổn.
Theo nhà điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua giảm 2-3%. Chẳng hạn, mỗi thùng dầu RON 92 (loại xăng dùng để pha chế xăng E5 RON 92) về mức 73,29 USD, giảm hơn 3%; xăng RON 95 giảm về 75,15 USD; dầu diesel 81,3 USD...
Đây là kỳ điều hành 11 từ đầu năm đến nay và là lần thứ hai liên tiếp giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm, hơn 1.000 đồng mỗi lít tuỳ loại.
Cũng như giá xăng, giá khí gas cũng được các doanh nghiệp kinh doanh điều chỉnh giảm 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 33.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5 ngày từ ngày 1/6/2019 – đây là giảm đầu tiên sau khi tăng 5 lần liên tiếp. Nguyên nhân giá gas giảm, theo các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối do giá gas thế giới bình quân tháng 6 vừa công bố ở mức 422,5 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với tháng 5.
Như vậy, giá khí gas bán lẻ đến người tiêu dùng loại bình 12kg của SAIGON Petro, Pacific Petro Gas, City Petro, Eff Gas... là 322.000-325.000 đồng.
Thế giới, giá dầu của Mỹ giảm hơn 5% trong phiên ngày 31/5, khiến mức giá tuần và tháng đều giảm mạnh, khi việc Mỹ đe doạ áp thuế lên hàng hóa của Mexico gây lo ngại về kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu thô West Texas Intermediate giao tháng Bảy tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 3,09 USD, hay 5,5%, xuống chốt phiên 31/5 ở mức 53,5 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/2.
Giá dầu theo hợp đồng này giảm gần 8,8% trong cả tuần và giảm 16,3% trong tháng Năm, theo Dow Jones Market Data. Đây là tháng mà giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, khi giá giảm 22%.
Trong khi đó, trong ngày hết hạn, hợp đồng giao tháng Bảy đối với dầu Brent giảm 2,38 USD, hay 3,6%, xuống 64,49 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 13/2. Giá dầu theo hợp đồng này giảm 6,1% trong tuần và 11,4% trong tháng Năm.
Theo nhà phân tích về hàng hóa Robbie Fraser tại Schneider Electric, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch áp thuế 5% lên hàng hóa của Mexico với dự kiến sẽ còn tăng lên các mức cao hơn, liên quan đến vấn đề an ninh biên giới, sẽ gây thêm những lo ngại về thương mại và kinh tế, trong khi cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động đến dầu thô, khi Mexico là đối tác thương mại chủ chốt về năng lượng của Mỹ.
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, việc Mỹ có thể cho phép một số nước mà khối lượng nhập khẩu vẫn chưa đến mức trần được phép tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran, cho dù quy chế miễn trừ trừng phạt đã kết thúc vào đầu tháng Năm, góp phần gây thêm sức ép lên giá dầu.
Một khảo sát của Reuters cho thấy, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia đã tăng sản lượng trong tháng Năm, nhưng không đủ để bù vào phần sụt giảm từ phía Iran sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt nước này.
Cũng theo khảo sát này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt sản lượng 30,17 triệu thùng/ngày trong tháng Năm, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng 4/2019, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Ngoài ra, có thêm dấu hiệu cho thấy các nguồn cung dầu của Mỹ ổn định, tiếp tục làm phức tạp thêm nỗ lực của OPEC trong việc cắt giảm sản lượng. Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ mới đây cho biết nguồn cung dầu thô của nước này giảm 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 24/5, giảm nhẹ hơn nhiều so với dự kiến và ước tính sản lượng trong nước tăng 100.000 thùng, lên 12,3 triệu thùng/ngày.

Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn: vinanet