Theo quyết định của Liên bộ Công Thương - Tài chính, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, xăng RON 92 tăng 441 đồng/lít; xăng E5 tăng 392 đồng/lít...  

Kể từ 16h45 phút chiều 20/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Cùng với đó, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu.

Trong đó, xăng khoáng 600 đồng/lít; xăng E5 là 600 đồng/lít; dầu diesel 300 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 441 đồng/lít đối với xăng RON92; 392 đồng/lít đối với xăng E5; dầu diesel 0,05S tăng 599 đồng/lít; dầu hỏa tăng 520 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3,5S tăng 592 đồng/lít.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn đối với RON92 là 16.845 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 16.533 đồng/lít; dầu diesel 0,05S không cao hơn 13.023 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 11.543 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 10.065 đồng/lít.

Trên thị trường thế giới, tuần qua, giá dầu thế giới lên xuống thất thường, giữa bối cảnh mối lo về tình trạng dư cũng vẫn còn đeo bám các nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường vẫn đặt kỳ vọng vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào cuộc họp tháng 11 tới.

Khởi đầu tuần mới không mấy suôn sẻ do khủng hoảng nguồn cung có xu hướng trở nên trầm trọng hơn, sau khi một loạt nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt thông báo kế hoạch đẩy mạnh sản lượng.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Namdar Zanganeh, cho biết sản lượng dầu thô của nước này có thể đạt 4 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2017, so với mức 2,7 triệu thùng/ngày hồi tháng 1/2016, thời điểm thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) có hiệu lực.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ Bloomberg, Lybia hiện đã tăng sản lượng khai thác dầu lên mức 560.000 thùng/ngày, so với mức 540.000 thùng/ngày trong tuần trước đó.

Còn Nigeria đang hướng đến mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng dầu/ngày lên mức 2,2 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” đã quay đầu khởi sắc liên tiếp trong hai phiên giao dịch liền sau đó (18-19/10), khi các nhà phân tích thuộc Bernstein Energy cho hay dự trữ dầu mỏ tính trên quy mô toàn cầu trong quý III năm nay chỉ tăng 17 triệu thùng so với cùng kỳ năm 2015, lên 5,618 tỷ thùng.

Đây là mức tăng thấp nhất kể từ quý IV/2015, cho thấy nguồn cung dầu đang có xu hướng thu hẹp và báo hiệu triển vọng thị trường dầu mỏ có thể tái cân bằng sớm hơn dự kiến.

Thêm vào đó, việc Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ cho biết kho dầu dự trữ của nước này giảm 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/10, trái với dự báo của thị trường là tăng 2,7 triệu thùng cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu.

Trong tháng 9/2016, sản lượng dầu thô của Trung Quốc cũng đã giảm 9,8% xuống còn 3,89 triệu thùng/ngày, sát mức thấp nhất trong sáu năm qua.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần (21/10), tâm lý lạc quan về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ đạt được thảo thuận về cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế tình trạng dư cung dầu toàn cầu đã giúp giá dầu đi lên sau khi trải qua phiên mất giá trước đó, do đồng USD mạnh lên.

Dù vậy, giới đầu tư vẫn còn khá thận trọng khi chứng kiến lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng ở mức hai con số trong tuần này.

Kết thúc phiên 21/10, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 12/2016 tăng 22 xu Mỹ (0,4%), lên 50,85 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến 40 xu Mỹ (0,8%), lên 51,78 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng 1%, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp, còn giá dầu Brent lại gần như đi ngang khi hạ nhẹ 0,3%.

Thị trường đang lạc quan vào khả năng các “ông lớn” trong ngành dầu mỏ thế giới sẽ chung tay kiềm chế nguồn cung, nhất là sau khi Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak mới đây đã tái khẳng định sự cần thiết của một thỏa thuận giữa các nhà sản xuất dầu để ngăn chặn đà trượt dốc của mặt hàng này trong hai năm qua.

Ông Novak có kế hoạch tới Saudi Arabia vào cuối tuần để đưa ra một số đề xuất, trước khi gặp Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo vào thứ Hai ( 24/10).

Trong khi đó, báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần đã tăng 11 giàn, lên 443 giàn.

Đây là mức tăng hai chữ số lần đầu tiên của dữ liệu này kể từ tháng 8/2016, qua đó đánh dấu 8 tuần tăng liên tiếp số giàn khoan đang hoạt động tại “đất nước cờ hoa”.

Nguồn: VITIC/TTXVN

http://bnews.vn/dau-wti-tang-gia-tuan-thu-nam-lien-tiep/26961.html

 

Nguồn: Vinanet