Tại kỳ điều chỉnh ngày 20/12/2017, giá các mặt hàng xăng dầu được giữ nguyên so với ngày 5/12/2017. Theo đó, giá xăng RON 92 ổn định ở mức 18.580 đồng/lít, xăng E5 là 18.243 đồng/lít, dầu hoả là 13.617 đồng/lít, dầu mazut giữ giá ổn định ở mức 12.382 đồng/kg, dầu diesel không cao hơn 15.169 đồng/lít.
Theo tính toán, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 5/12 là 72,963 USD/thùng xăng RON 92; 74,435 USD/thùng dầu diesel 0.05S.
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 theo công văn số 1456/BTC-QLG ngày 19/12 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.208,11 đồng/lít (chưa có thuế GTGT). So với giá bán tối đa kỳ trước liền kề (ngày 5/12), giá cơ sở kỳ này (ngày 20/12) chênh lệch tăng 523 đồng/lít xăng RON 92, tăng 546 đồng/lít xăng E5, tăng 417 đồng/lít dầu diesel 0.05S.
Thực hiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT; căn cứ khoản 1 Công văn số 172/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ngày 18/1/2017 về áp dụng biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5; Thông báo 255/TB- VPCP ngày 6/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về thực hiện Đề án nhiên liệu sinh học về Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; Căn cứ Công văn số 1072/BTC-QLG của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu, Công văn số 14108/BTC- QLG ngày 20/10/2017 của Bộ Tài chính ngày về thuế nhập khẩu bình quân trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Công văn số 1456/BTC-QLG ngày 19/12/2017 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu.
Nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Xăng khoáng (523/đồng/lít), xăng E5 (546 đồng/lít), dầu diesel (417 đồng/lít), dầu hỏa (460 đồng/lít), dầu mazut (80 đồng/kg).
Thời gian trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 15 giờ ngày 20/12. Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định, áp dụng thực hiện từ 15 giờ 00 phút ngày 20/12 đến trước 00h00 ngày 1/1/2018.
Thế giới
Sau khi biến động trái chiều trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới đã tăng liên tiếp bốn phiên còn lại trong tuần và vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2015 trong phiên cuối tuần.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (18/12), giá hai mặt hàng chủ chốt trên thị trường đi ngược chiều nhau.
Phiên này, giá dầu Brent đi lên trước thông tin đường ống dẫn dầu biển Bắc tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố rò rỉ và cuộc đình công trong ngành năng lượng ở Nigeria.
Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) lại chịu sức ép do tâm lý lo ngại về xu hướng tăng sản lượng khai thác của Mỹ.
Bước sang phiên giao dịch ngày 19/12, giá dầu thế giới gia tăng giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu chính thức về lượng dự trữ dầu của Mỹ.
Đồng USD yếu cũng làm cho giá dầu - vốn được giao dịch bằng đồng tiền này - trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm 0,27% xuống 93,446 vào cuối phiên giao dịch.
Trong phiên giao dịch ngày 20/12 và 21/12 giá dầu thế giới tiếp tục tăng nhờ báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến.
Ngoài ra, việc hệ thống đường ống dẫn dầu Forties tại khu vực Biển Bắc thuộc Anh tiếp tục ngừng hoạt động cũng là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tuần kết thúc vào ngày 15/12 đã giảm 6,5 triệu thùng, vượt mức giảm dự báo của giới phân tích.
Hiện lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, không tính kho dự trữ dầu chiến lược, ở mức 436,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.
Sự sụt giảm kho dầu dự trữ là do Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và nỗ lực kiềm chế nguồn cung của một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.
Trong phiên cuối tuần (22/12), giá dầu vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2015, trước cam kết hỗ trợ giá “vàng đen” của các nhà sản xuất dầu mỏ.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 35 xu Mỹ lên 65,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015; còn giá dầu WTI tăng 11 xu Mỹ lên 58,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.
OPEC và 10 nhà sản xuất dầu mỏ khác không thuộc tổ chức này hồi tháng trước đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới hết năm 2018.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Bakhit al-Rashidi cho biết, mức độ tuân thủ thỏa thuận trên hiện đạt 122%, mức cao nhất kể từ khi thỏa thuận này đi vào thực thi.
Sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ đã tăng 16% kể từ giữa năm 2016, đạt 9,8 triệu thùng/ngày, gần với mức của các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Saudi Arabia với 10 triệu thùng/ngày và Nga (11 triệu thùng/ngày).
Điều này đang làm suy yếu các nỗ lực tái cân bằng thị trường của OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác.
Nguồn: VTIC/Bnews.vn

Nguồn: Vinanet