Kể từ ngày 1/5/2017, mỗi bình gas bán lẻ loại 12kg đến tay người tiêu dùng TP HCM và các tỉnh phía Nam sẽ giảm 22.500 đồng với giá phổ biến chỉ còn khoảng 288.000 đồng, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp giá nhiên liệu này điều chỉnh mạnh.
Cụ thể, người dùng sẽ tiết kiệm được 1.875 đồng cho mỗi kg gas so với tháng 4, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nguyên nhân giá hạ nhiệt được nhà phân phối lý giải là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 387,5 USD một tấn, giảm 72,5 USD mỗi tấn so với tháng trước.
Hồi tháng 4/2017, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng TP HCM và các tỉnh phía Nam cũng đã điều chỉnh được 25.000 đồng một bình 12 kg, trong khi tháng liền kề trước đó, bình nhiên liệu cùng trọng lượng giảm được 4.500 đồng.
Như vậy, nếu cộng dồn 3 tháng liên tiếp (tháng 3, 4 và 5), giá gas đã hạ nhiệt 52.000 đồng mỗi bình 12kg. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Đối với xăng, Liên Bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu, từ 15 giờ ngày 5/5, giá của các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm.
Theo đó, giá xăng RON 92 được điều chỉnh giảm 309 đồng/lít; xăng E5 giảm 314 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm 216 đồng/lít; dầu hoả giảm 285 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 64 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh như sau:
Xăng Ron 92 không cao hơn 17.274 đồng/lít;
Xăng E5 không cao hơn 17.068 đồng/lít;
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.603 đồng/lít;
Dầu hoả không cao hơn 12.053 đồng/lít;
Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.902 đồng/kg.
Cơ quan điều hành cũng thông báo ngừng chi Quỹ bình ổn xăng dầu trong đợt điều hành giá này.
Ở kỳ điều chỉnh giá lần trước, giá xăng RON 92, RON 95, E5, dầu hoả, dầu diesel đều tăng 350 đồng/lít, dầu mazut tăng 350 đồng/kg.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 9 kỳ điều chỉnh. Theo đó, giá xăng đã tăng 2 lần vào ngày 18/2 và 20/4 với mức tăng lần lượt là 504 đồng và 350 đồng/lít.
Thế giới
Giá dầu gần mức thấp 5 tháng ngày 5/5, sau khi giảm gần 5% trong phiên trước bởi lo ngại về nguồn cung của Mỹ ngày càng tăng, xóa đi tất cả những gì đã đạt được kể từ khi động thái cắt giảm sản lượng của OPEC.
Giá lao đốc sẽ có thể buộc các thành viên OPEC kéo dài việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tháng này, nhưng triển vọng cắt giảm sâu hơn là mong manh.
Dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 48,41 USD/thùng, tăng 3 cent so với đóng cửa phiên trước. Dầu Brent lao dốc trở lại xuống dưới 50 USD/thùng trong phiên trước.
Dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao dịch tại 45,53 USD/thùng, chỉ tăng 1 cent sau khi giảm hơn 4% trong phiên trước.
Giá dầu thô giảm mạnh trở lại những mức được thấy trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nhà sản xuất khác gồm Nga cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay, trong một nỗ lực hạn chế thị trường và hỗ trợ giá.
Các thương nhân cho biết thị trường đang sụt giảm là kết quả của sản lượng dầu thô của Mỹ ngày càng tăng, đã tăng hơn 10% kể từ giữa năm 2016 lên 9,3 triệu thùng/ngày, gần với mức của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới Nga và Saudi Arabia.
Những nghi ngờ rằng việc cắt giảm của OPEC, ngay cả khi thực hiện đầy đủ, là đủ sâu để kéo giảm mức tồn kho khắp thế giới cũng đang gây áp lực lên giá.
James Woods, nhà đầu tư toàn cầu tại công ty chứng khoán Rivkin cho biết “giá dầu sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về sản lượng dầu đá phiến Mỹ ngày càng tăng, bất chấp khả năng cao là các thành viên OPEC sẽ đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng khi họ nhóm họp vào ngày 25/5/2017, mặc dù bất kỷ khả năng tăng mức cắt giảm vẫn mong manh với các quan chức OPEC giảm thiểu khả năng này”.
Trong một dấu hiệu dư cung tiếp tục, khối lượng dầu chứa trên các tàu ở Malaysia đã tăng một lần nữa gần đây, sau khi giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 4, do dầu chưa bán được từ OPEC, Bắc Mỹ và châu Âu được chứa gần các kho cảng tiêu dùng chính của châu Á.
OPEC có kế hoạch nhóm họp vào 25/5 tại trụ sở chính ở Vienna, Áo để quyết định liệu có gia hạn cắt giảm không.
Các nhà sản xuất OPEC và ngoài OPEC có thể kéo dài thỏa thuận để hạn chế các nguồn cung cấp giúp giảm dư thừa, nhưng họ đánh giá thấp cơ hội các bước bổ sung như cắt giảm mạnh hơn.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet