Trong nước, tuần qua Liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ chiều ngày 17/4/2019, theo đó giá xăng và dầu cùng tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.115 đồng/lít lên mức 19.703 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.202 đồng/lít với giá bán lẻ không quá 21.235 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá: dầu diesel 0.05S tăng 297 đồng/lít lên mức 17.384 đồng/lít; dầu hỏa tăng 291 đồng/lít 16.262 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán lẻ không cao hơn 15.617 đồng/kg khi tăng 407 đồng/kg.
Theo Liên bộ, kỳ điều hành giá lần này đã chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu 1.456 đồng/lít đối với xăng E5RON92; xăng RON95 chi 743 đồng/lít (kỳ trước chi 1.304 đồng/lít).
Cơ quan điều hành giá cho biết thêm, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 vừa qua là 77,895 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,986 USD/thùng, tương đương +3,99% so với kỳ trước); 79,808 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,374 USD/thùng, tương đương +4,41% so với kỳ trước).
Như vậy, đây là kỳ điều hành thứ 2 liên tiếp giá xăng tăng mạnh. Tại kỳ gần nhất vào ngày 2/4 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92 tăng 1.377 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.
Giá xăng dầu sau khi điều chỉnh

Nguồn: Petrolimex
Theo văn bản số 2647/BCT-TTTN ngày 17.4.2019 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:
 
Nguồn: Petrolimex
Giá khí gas vẫn giữ ổn định ở mức 356.000 đồng/bình 12 kg, sau khi điều chỉnh tăng 7.000 đồng/bình 12 kg kể từ ngày 1/4 sau khi có thông báo mới.
Trên thế giới, giá dầu Brent nhảy vọt chạm mức đỉnh 5 tháng, tăng 4 tuần liên tiếp
Giá dầu Brent leo dốc 0,6% trong tuần và đã ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng, lên tới 72,27 USD/thùng nhờ nguồn cung được siết chặt.
Giá 2 mặt hàng dầu chủ chốt chốt đều đi lên trong tuần với dầu WTI nhích 0,.2% và dầu Brent tăng 0,6% nhờ tình trạng cung - cầu trên thị trường cân bằng hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 15/4, giá dầu thế giới giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định tăng sản lượng để cạnh tranh thị phần với Mỹ.
Tuy nhiên, sang phiên ngày 16/4, giá dầu quay đầu đi lên trong bối cảnh xung đột leo thang tại Libya cùng lượng dầu xuất khẩu ngày càng sụt giảm của Venezuela và Iran đã làm gia tăng những lo ngại về xu hướng nguồn cung toàn cầu có thể bị thiếu hụt.
Giá “vàng đen” giảm trong phiên 17/4 do chịu sức ép bởi sự không chắc chắn về sản lượng dầu thô toàn cầu. Số liệu chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này giảm 1,4 triệu thùng, chỉ bằng một nửa con số mà Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) công bố trước đó, đã khiến giới đầu tư thất vọng và đưa giá dầu quay trở lại quỹ đạo giảm.
Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Innes của công ty SPI Asset Management nhận xét: “Nhu cầu dầu đã nhận được sự hỗ trợ từ các số liệu kinh tế của Trung Quốc, theo đó giá dầu sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu của giới đầu tư đối với các tài sản rủi ro đều cải thiện. Theo báo cáo, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,4% trong quý I, bất chấp những đồn đoán trước đó về khả năng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá dầu quay đầu tăng nhẹ, trong đó dầu WTI tăng tuần thứ 7 liên tiếp - chứng kiến chuỗi leo dốc dài nhất trong 5 năm.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến 24 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 64 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 0,2% trong tuần qua, chứng kiến 7 tuần tăng liên tiếp và có chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tuần kết thúc ngày 28/2/2014, theo dữ liệu từ Dow Jones Market.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao nhích 35 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 71,97 USD/thùng và tăng 0,6% trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Các nhà đầu tư đang cân nhắc triển vọng nguồn cung trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC)hết hạn vào tháng 6/2019. Giao dịch dầu tại Mỹ và Anh đóng cửa trong phiên ngày 19/4 nhân ngày nghỉ lễ Phục sinh.
Theo giới phân tích năng lượng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và việc các lệnh miễn trừ sắp hết hạn đối với một số nước nhập khẩu dầu từ Iran cũng góp phần vào nỗi lo nguồn cung. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela có thể thắt chặt hơn, nhưng lại có thể khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, sớm kết thúc.
“Nỗi lo về nguồn cung vẫn tồn tại, với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cùng với cuộc xung đột ở Libya, nhưng thỏa thuận của OPEC+ là yếu tố lớn hơn”, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Alfonso Esparza tại Oanda nhận định. “Thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đã giúp ổn định giá và hạn chế tác động từ đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ”.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 18/4 cho thấy khả năng chậm lại trong hoạt động khai thác dầu, với số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 8 giàn xuống 825 giàn trong tuần này, sau khi tăng 2 tuần liên tiếp.
Tại thị trường khí gas, giá gas phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/4 giảm nhẹ 0,95% xuống còn 2,493 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5 vào lúc 6h20 (giờ Việt Nam). Trước đó, phiên giao dịch ngày 18/4, giá gas tăng – đây là ngày tăng thứ ba liên tiếp do lượng tồn kho gas thấp.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính đến thứ Sáu (12/4), tổng lượng tồn kho gas Mỹ đạt 1.247 Bcf, tăng 92 Bcf so với tuần trước trong khi tồn kho gas được kì vọng sẽ tăng 72 Bcf.
Ở mức 1.247 Bcf, lượng tồn kho gas đã giảm 57 Bcf so với cùng kì năm ngoái và giảm 414 Bcf so với trung bình 5 năm là 1.661 Bcf.
Tồn kho gas đang tăng lên và dự kiến có khả năng đạt đến giữa phạm vi 5 năm.
Bên cạnh đó, thời tiết ấm áp dự kiến duy trì trên khắp nước Mỹ trong 6 – 10 ngày tới, gây áp lực lên giá.

Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn: Vinanet