Trong bối cảnh mà bội chi ngân sách nhà nước ở mức trên 5% GDP và vốn đầu tư từ khu vực nhà nước chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc Chính phủ không huy động được TPCP không chỉ đe dọa tới việc ổn định chính sách tài khóa, mà còn gây quan ngại về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau.

Có nhiều nguyên nhân TPCP năm nay không tìm được người mua. Một mặt, Thông tư 36 đã giới hạn tỷ lệ tối đa được mua và đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn, trong khi nhiều ngân hàng hiện tại đã chạm mức trần này, khiến cho một số ngân hàng dù muốn vẫn không thể mua thêm TPCP.

Mặt khác, Nghị định 78 quy định không phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dưới 5 năm cũng gây khó khăn cho việc huy động TPCP, do các ngân hàng - đối tượng khách hàng chính của trái phiếu thường ưa chuộng các kỳ hạn ngắn.

Ngoài ra, dòng vốn tại các ngân hàng dường như cũng hướng đến tín dụng nhiều hơn, với việc tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8/2015 đạt 10,23%, cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Một khi TPCP vẫn được phát hành chủ yếu cho ngân hàng, trong khi nhu cầu tín dụng tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi, sẽ tiếp tục gây áp lực lên Kho bạc Nhà nước trong việc huy động vốn cho ngân sách, không chỉ trong năm 2015 mà còn cả các năm tới.

Cắt giảm chi tiêu là hệ quả đầu tiên khi Chính phủ không thể huy động được nguồn vốn bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Rõ ràng nhất là việc Bộ Tài Chính đề xuất cắt giảm 10% chi thường xuyên trong năm 2016, đồng nghĩa với các khoản chi cho giáo dục và đầu tư phát triển con người khó có thể tăng mạnh trong năm tới.

Trong khi Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm có năng suất lao động thấp nhất khu vực, mức chênh lệch này có nguy cơ ngày càng tăng cao do các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan… hiện đang đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục để cải thiện hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực.

Nếu ngân sách nhà nước không thể tăng cường đủ cho các khoản chi phát triển này, mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên ngang bằng các nước trong khu vực, cũng như nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế sẽ ngày một khó khăn hơn.

Ngoài ra, còn có áp lực giảm chi ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ bản (vốn đang trong xu hướng giảm từ năm 2009, do Chính phủ chuyển sang đẩy mạnh chi thường xuyên để kích thích kinh tế). Mặc dù trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ khu vực nhà nước đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%). Trong đó, nguốn vốn từ ngân sách Nhà nước và TPCP đóng vai trò chủ đạo, chiếm 60% vốn đầu tư từ khu vực nhà nước.

Vì vậy, việc phải cắt giảm mạnh chi ngân sách Nhà nước cho xây dựng cơ bản sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng GDP (vốn đầu tư chiếm khoảng 27% GDP). Hệ quả của cắt giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản còn là sự trì trệ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào ngành sản xuất ở Việt Nam.

Đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước trong năm 2016 thông qua tăng thu thuế để giảm bội chi sẽ là hệ quả thứ hai. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nan giải khi Chính phủ vẫn đang theo đuổi chính sách hỗ trợ sản xuất, cụ thể là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2016. Một giải pháp là tăng các loại thuế trên tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân… nhưng điều này có thể tác động ngược lên tiêu dùng cuối cùng, một thành phần của GDP.

Ngoài ra, thâm hụt ngân sách kéo dài trong thời gian tới sẽ gây áp lực tăng lợi suất, nhằm có thể thu hút người mua trong các phiên đấu thầu TPCP. Tuy nhiên, khi mà Chính phủ vẫn định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ với việc duy trì lãi suất cho vay ổn định để thúc đẩy tăng trưởng, việc tăng lợi suất sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách trên.

Rõ ràng, những khó khăn trong huy động vốn sẽ dẫn đến giảm chi ngân sách Nhà nước, cũng như buộc Chính phủ phải đẩy mạnh nguồn thu từ thuế và từ đó gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực nói trên.

Thứ nhất, Chính phủ có thể tăng nguồn thu ngoài các khoản thu thuế, phí cho ngân sách Nhà nước, thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa (IPO) doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và niêm yết. Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị IPO/niêm yết và hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước như Mobifone, ACV hay Sabeco. Đây không chỉ là giải pháp cho ngân sách nhà nước mà còn là những cải cách cần thiết nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài vào dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, thông qua hình thức đối tác đầu tư công-tư (PPP). Đây là một hình thức vẹn cả đôi đường, trong tình thế phải duy trì tăng trưởng kinh tế với áp lực giảm chi ngân sách. Sân bay Quốc Tế Long Thành là một ví dụ điển hình cho việc huy động vốn đầu tư ngoài nhà nước vào đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách cũng như nợ công. Kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước còn đem đến sự hiệu quả khi hiện tại, dù vốn đầu tư nhà nước chiếm nhiều nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp vào GDP của doanh nghiệp nhà nước (33% trong năm 2014) lại đứng sau doanh nghiệp tư nhân (49%).

Thứ ba, Chính phủ sẽ phải tìm đến những nguồn khác ngoài TPCP nếu vẫn muốn duy trì chính sách tài khóa hiện tại, nhưng lại gặp khó khăn trong việc phát hành TPCP. Nguồn khác đó chính là Ngân hàng Nhà Nước (NHNN). Với việc lạm phát hiện tại ở mức dưới 1%, việc tìm tới Ngân hàng Nhà nước có thể là một lựa chọn cho ngân sách nhà nước. Trên thực tế, Bộ Tài Chính trong tháng 7 năm nay đã đưa ra đề xuất vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời và luôn phải đi cùng với việc kiểm soát chặt chẽ những khoản chi không cần thiết nhằm tránh cung tiền tăng quá mức, khiến lạm phát cao cùng với những bất ổn tỷ giá quay trở lại (như những gì từng diễn ra trong giai đoạn 2009-2011).

Ngoài ra, cần lưu ý là một điểm mấu chốt khiến huy động TPCP gặp nhiều khó khăn trong năm nay chính là Thông Tư 36. Thay đổi tỷ lệ cho phép nắm giữ TPCP cho các ngân hàng theo hướng mở rộng hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tóm lại, việc không huy động được vốn bù đắp cho thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ có tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế, khi mà vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn còn đóng vai trò quan trọng. Đầy mạnh việc bán tài sản nhà nước cũng như kêu gọi vốn tư nhân vào dịch vụ công là những giải pháp dài hạn, không chỉ giải quyết những khó khăn cho ngân sách mà còn đem đến nhiều tác động tính cực cho nền kinh tế. Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể tìm đến các nguồn khác ngoài TPCP như vay từ NHNN. Tuy nhiên, dù là biện pháp nào đi nữa, quan trọng nhất vẫn là quản lý và sự dụng nguồn ngân sách nhà nước hợp lý để tạo tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Theo Dương Vũ Thanh

ĐTCK

Nguồn: ĐTCK