Ngày 6/7/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 5057/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02).

Theo văn bản này, kể từ ngày 12/4/2015, các TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02.

Điểm đáng lưu ý nhất của Thông tư 02 là dựa trên kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC) cung cấp, toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ và xếp vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn.

Nghĩa là, một doanh nghiệp có nhiều khoản nợ tại một ngân hàng hoặc các ngân hàng khác nhau, nếu 1 khoản nợ bất kì bị xếp vào nợ nhóm 5, thì tất cả các khoản nợ tại ngân hàng đó hoặc các ngân hàng khác cũng bị xếp vào nợ nhóm 5.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của các ngân hàng có thể gấp 2 hoặc 3.

Ban đầu, Thông tư 02 được NHNN dự kiến có hiệu lực từ 1/6/2013 để thay thế Quyết định 780 về cơ cấu nợ. Tuy nhiên, trước lo lắng của các ngân hàng, bên cung vốn, cũng như các doanh nghiệp và chuyên gia độc lập, NHNN đã lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02.

Còn Quyết định 780 cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, không phải chuyển nhóm nợ đối với những khách hàng được đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng tích cực, có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Quyết định này cũng được kéo dài thời hạn đến 1/4/2015.

Văn bản ban hành ngày 6/7/2015 của NHNN nêu rõ, từ kỳ báo cáo tháng 6/2015, định kỳ hàng tháng, các TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02 cho đến khi có thông báo mới của NHNN.

Định kỳ hàng tháng, TCTD chỉ đạo các bộ phận có liên quan nhanh chóng rà soát, gửi kết quả tự phân loại nợ khách hàng cho CIC chậm nhất ngày 10 tháng tiếp theo của tháng báo cáo và thực hiện việc báo cáo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thông tư 02 về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chậm nhất ngày 15 của tháng tiếp theo tháng báo cáo.
Hàng loạt chế tài để giảm nợ xấu xuống 3% trước 30/9

Cùng với việc áp dụng chuẩn mới cho phân loại nợ, NHNN cũng có một loạt các yêu cầu cũng như chế tài để đạt mục tiêu giảm nợ xấu của từng TCTD cũng như cả hệ thống xuống 3% trước 30/9/2015.

Theo đó, trong văn bản ngày 6/7/2015, NHNN yêu cầu các TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu ngay trong tháng 7/2015 để đưa nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu được NHNN phê duyệt trước ngày 30/9/2015. Như vậy, việc giảm nợ xấu không phải chỉ tính chung cho cả hệ thống mà được áp lên từng ngân hàng cụ thể.

Để tạo áp lực cho các ngân hàng, NHNN đưa ra nhiều biện pháp. Cụ thể, trong văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 7/7/2015, những ngân hàng chưa đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước thời hạn nói trên sẽ không được xem xét, chấp thuận đề nghị mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, lắp thêm máy ATM, mở mới văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới, nghiệp vụ kinh doanh mới…

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng cuối tháng 6/2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói việc xử lý nợ xấu sẽ gắn với chỉ tiêu tín dụng NHNN sẽ phân bổ cho các NHTM sau tháng 9/2015.

“Nhiều TCTD có mong muốn mở thêm room để tăng trưởng tín dụng. Nhưng việc này phải đi đôi với việc xử lý nợ xấu. Những TCTD nào tích cực trong xử lý nợ xấu thì khả năng được tăng trưởng tín dụng mới mới hiện hữu, những TCTD nào không tích cực thì tăng trưởng tín dụng mới sẽ hạn chế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu

Nợ xấu dự báo gia tăng khi áp dụng cách phân loại nợ theo Thông tư 02 trong khi áp lực giảm nợ xấu xuống dưới 3% buộc các ngân hàng sẽ phải tính đến việc trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn hoặc bán nợ cho VAMC.

Đơn cử như Vietcombank - ngân hàng hiện có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp của cả hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 2,29% tại thời điểm cuối năm 2014 lên 2,43% tại thời điểm 25/6/2015. Số dư nợ xấu tại cuối tháng 6/2015 là 8.413 tỷ đồng, tăng 1.006 tỷ đồng với cuối năm 2014, tương ứng tăng 13,58%.

Trong khi đó, theo tính toán của Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu 6 tháng cuối năm có thể tăng lên từ 12.012 tỷ đồng lên 17.993 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu mới là 5,34% trong trường hợp chưa xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và bán nợ cho VAMC. Con số chưa xử lý của 6 tháng đầu năm chỉ là 3,6%.

Trong năm nay, Vietcombank dự kiến trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 5.500 tỷ đồng - con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, mới non nửa chặng đường (tính tới 25/6/2015), Ngân hàng này đã trính lập 2.995 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 24,76% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng nhấn mạnh, chất lượng tín dụng của Ngân hàng đang ở mức thực sự đáng lo ngại, nợ xấu và trích lập dự phòng gia tăng lớn và lớn nhất từ trước tới nay.
Thái Hà