Trong một nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách chủ yếu do các chương trình trợ giá tốn kém của nhà nước, chính phủ lâm thời Ai Cập đã quyết định nâng giá khí đốt kể từ đầu tháng Năm tới.

Đây là lần thứ hai trong hai thập kỷ qua, Ai Cập điều chỉnh tăng giá năng lượng sau lần đầu tiên vào tháng 7/2012.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo ngày 22/4, nội các lâm thời đã nhất trí thiết lập mức giá mới được tính toán dựa trên mức độ tiêu thụ khí đốt hàng tháng. Mức giá cho các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh tiêu thụ ít hơn 25 m3 khí đốt mỗi tháng sẽ là 0,40 bảng Ai Cập (tương đương 0,06 USD)/m3.

Trong khi đó, những hộ tiêu thụ từ 25-50 m3 mỗi tháng sẽ phải trả 1 bảng (0,14 USD)/m3. Mức giá mới được áp ụng đối với những hộ tiêu thụ từ 50 m3 mỗi tháng trở lên sẽ là 1,5 bảng (0,21 USD)/m3.

Bộ Dầu khí Ai Cập cho biết mức giá được áp dụng chung hiện nay là 0,20 bảng (0,03 USD)/m3. Trong khi đó, nhật báo "Al-Ahram" do nhà nước quản lý cho biết hiện người tiêu dùng chỉ phải trả 0,10 bảng (0,01 USD)/m3 nếu sử dụng dưới 30m3 mỗi tháng và 0,5 bảng (0,07 USD) đối với số lượng tiêu thụ vượt quá mức trên.

Tuy nhiên, mức giá mới sẽ không được áp dụng đối với các nhà máy nhiệt điện - lĩnh vực tiêu thụ nhiều khí đốt nhất hiện nay tại Ai Cập. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất bánh mỳ-thực phẩm chính của người dân Ai Cập - sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng giá này. Do vậy, chỉ một số lượng nhỏ hộ gia đình kết nối với hệ thống ống dẫn khí đốt sẽ phải chịu mức giá mới.Theo Giám đốc Công ty Phân phối khí đốt Ai Cập (Town Gas) Mohamed Radwan, việc áp dụng mức giá mới sẽ đưa giá khí đốt phân phối qua hệ thống ống dẫn tiệm cận với giá khí đốt được phân phối bằng bình vốn là hình thức tiêu thụ chủ yếu hiện nay. Ông Radwan cũng cho biết 70% người sử dụng khí đốt tại Ai Cập thuộc phân khúc tiêu thụ đầu tiên (dưới 25m3 mỗi tháng).

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Khí đốt Ai Cập (Egypt Gas) Faisal Aboul-Ezz (Phai-xan A-bun E-dơ) cho biết sau khi điều chỉnh tăng, giá khí đốt ở Ai Cập sẽ bằng 20% giá quốc tế, so với mức 7% hiện nay.

Dự kiến, Ai Cập sẽ tiếp tục điều chỉnh giá khí đốt hàng năm để tiệm cận mức giá quốc tế.

Theo một nguồn tin chính thức từ Bộ Dầu khí Ai Cập, việc áp dụng mức giá mới dự kiến sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 1 tỷ bảng (143 triệu USD) mỗi năm và dành để triển khai các dự án mở rộng mạng lưới ống dẫn khí đốt trên toàn quốc.

Vào tháng Một vừa qua, sản lượng khí đốt của Ai Cập đã bị sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây Chính phủ nước này thông báo đang chuẩn bị nhập khẩu khí đốt kể từ tháng Tám tới.

Hôm 20/4 vừa qua, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Ibrahim Mahlab thông báo quốc gia Bắc Phi này sẽ bắt đầu tiến hành cải cách hệ thống trợ giá năng lượng kể từ đầu tháng Bảy tới, thời điểm bắt đầu năm tài chính 2014/15. Tuy nhiên, hệ thống trợ cấp năng lượng mới sẽ không ảnh hưởng đến giá phân phối gaz và điện đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Ngoài ra, Chính phủ Ai Cập cũng quyết định sẽ không tăng giá nhiên liệu.

Ai Cập là một trong những quốc gia có mức giá năng lượng thấp nhất trên thế giới. Ước tính trợ cấp nhiên liệu chiếm tới 22% ngân sách hàng năm, cao gấp 7 lần so với ngân sách dành cho y tế và gấp ba lần ngân sách dành cho giáo dục.

Theo tính toán, những người giàu có ở nước này đang được hưởng tới 80% ngân sách trợ cấp năng lượng và thị trường chợ đen mỗi năm thu lợi tới 4,3 tỷ USD nhờ buôn lậu các sản phẩm xăng dầu được nhà nước trợ giá. Mặc dù chính quyền nước này đã nhiều lần kêu gọi cải cách hệ thống trợ giá năng lượng song không dám tăng mạnh do lo ngại kích động thêm tình trạng bất ổn xã hội.

Hiện Chính phủ Ai Cập từng bước triển khai chương trình sử dụng thẻ thông minh trong phân phối nhiên liệu và lương thực nhằm hợp lý hóa tiêu thụ và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, thất thoát.

Nguồn: TTXVN, argusmedia.com

Nguồn: Vinanet