Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu trong quá trình giao dịch cà phê trên sàn chứng tỏ sự biến ảo khôn lường bởi thị trường quá nhạy cảm.

Sự tăng giá khủng trong phiên giao dịch ngày 15/5, thứ Năm đã tạo một tâm lý sẽ còn tăng nữa đối với những người kinh doanh hàng thực, hầu hết các nhà kinh doanh cà phê hôm sau dường như không bán ra mà chỉ ngồi trông chờ mở cửa ngày thứ Sáu sẽ tăng, tuy nhiên đối với những nhà kinh doanh trên sàn thì họ cảm thấy một nguy cơ tiềm ẩn bởi sự tăng đột biến của hôm trước, đối với những nhà đầu tư, đầu cơ giá hạ đã bán được trong ngày thứ năm đã không ngần ngại chốt lời để nắm chắc những gì mình đã đạt khi mà những nguồn nhận định trái chiều nhau liên tục được đưa ra giữa USDA và CONAB.

Sức mạnh của số đông có thể nói chiếm đến 9/10, là những nhà kinh doanh cỡ bự, những nguồn vốn, những nhà đầu tư nhỏ lẻ theo kiểu chứng khoáng trên sàn ảo với sự kiên định đưa ra mức giá thấp hơn để mua vào trong khi thiếu vắng những người cần hàng thực bởi họ đã có đủ trong tay lượng hàng từ những nhà cung cấp với con số khổng lồ xuất đi trong tháng 4 đã khiến cho giá cà phê hai thị trường nhanh chóng sụt giảm.

Tình hình càng tồi tệ hơn vào cuối phiên, khi hàng loạt bán ra theo lệnh đặt trước (Sell-Stop) ở mức 2103$ trên thị trường London và mức 187cent của N.Y (tính theo tháng 7) càng kéo theo một luồng hạ giá để bán.

Tất cả những dự báo về sản lượng cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh nghiệm của cả hai phía dường như trở nên ngớ ngẩn và trở thành cái cớ để thị trường ảo mượn tạm để đẩy lên thật cao hay đè xuống thật thấp.

Bất chấp sự giảm giá tồi tệ trong ngày thứ Sáu đen tối, một số nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê vẫn kiên định với suy nghĩ cho rằng lượng cà phê của Brazil đã xuất quá mạnh trong tháng tư kể cả hàng tồn kho năm trước thì làm cho lượng hàng thực ngày càng khó kiếm hơn sau khi trải qua một mùa thu hoạch đã thấy là sẽ bị sụt giảm.

Tình hình mua bán trên thị trường trong khoảng nửa tháng qua, phụ thuộc vào vị thế mua/bán của những nhà đầu cơ nhiều hơn là tình hình thực tế của mùa vụ, những yếu tố làm tăng/giảm của lượng hàng thực chiếm 1/10 là cái cớ để đầu tư kinh doanh cho số lượng 9/10 trên sàn ảo.

Cho dẫu đứng về phía ủng hộ tăng hay giảm thì dường như ai cũng thấy rõ một điều sắp đến đây vấn đề thời tiết trong mùa đông của Brazil sẽ còn được đem ra để “kinh doanh trên thời tiết” và điều đó còn mang lại nhiều cú đột biến theo từng cơn nóng lạnh của đất nước sản xuất cà phê hàng đầu này.

Thị trường cà phê không dành cho những người yếu tim và kẻ chỉ biết trông chờ vào may mắn, có khi cần cả một thời gian rất dài để “ngộ” ra điều đó.

Nguồn: Giacaphe.com