Chỉ trong ba phiên giao dịch, giá kỳ hạn robusta đã tăng 104 đô la/tấn, lấy lại nhiều hơn những gì đã mất tính từ đầu tháng đến nay. Nhiều người nghĩ nhờ World Cup 2014 Brazil đẩy mức tiêu thụ cà phê lên nên giá tăng. Không hẳn thế. Giá thị trường đang làm hiển lộ ý đồ và hoạt động tồn kho tích trữ.

Giá nội địa bung mạnh

Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên bật tăng mạnh ngay trước khi quả bóng lăn trong trận khai mạc World Cup tại bang Sao Paolo, Brazil. Từ cuối tuần trước, giá nội địa như mất hứng, là đà giảm, có khi chỉ còn 37 triệu đồng/tấn. Nhưng trong nguyên ngày thứ Năm 12-6, thị trường nhanh chóng phục hồi, bất ngờ tăng lên 38,5 triệu đồng/tấn.

Phải nói rằng khi giá xuống các mức thấp dưới 40 triệu/tấn, thị trường yên ắng trông thấy. Đến khi giá chỉ còn 37 triệu đồng/tấn, mua bán hầu như hoàn toàn tê liệt. “Tuy chưa đạt kỳ vọng song giá lên mạnh nên tôi có thể yên tâm xem trận mở màn World Cup 2014 giữa đội chủ nhà và Croatia được rồi. Song, phải đến 40 triệu đồng/tấn, tôi mới tính nên bán hay không”, một người còn hàng tại Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho hay.

Giá nội địa tiếp tục tăng bồi cho đến sáng hôm nay thứ Bảy 14-6, đạt mức 39 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ đầu tháng 6-2014 đến nay.

Giá tăng, lợi nhiều phía

Thật ra, theo dư luận thị trường, giá tăng đợt này lợi cho nhiều phía. Từ đầu tháng 5-2016 đến ngày 11-6, giá xuống triền miên, nên giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết và giao hàng tại cảng đi (FOB) tuần qua tăng cao, có lúc robusta loại 2,5% đen vỡ được chào bán bằng hay cao hơn giá kỳ hạn. Chính vì thế không ai mua bán gì được. “Nhiều hợp đồng xuất khẩu bán trước đây với mức trừ trên 100 đô la/tấn FOB nay không sao mua được hàng để giao, đành phải neo lại”, một nhân viên của một công ty xuất khẩu thuộc tỉnh Daklak cho biết.

Giá tăng, tuy chưa đủ bù những gì đã mất đến trên 300 đô la/tấn, đây là cơ hội đẩy giá nội địa lên kích nông dân bán ra với giá cao hơn, kéo giãn giá chênh lệch để một mặt các nhà xuất khẩu đỡ thua lỗ và nhà nhập khẩu khỏi lo lắng chờ hàng giao.

Giá nội địa tăng mạnh rõ ràng nhờ lực đẩy của các sàn kỳ hạn, đặc biệt là sự đảo chiều của sàn London. Thật vậy, giá robusta Ice Liffe tại London cả tháng Năm mất hết 236 đô la/tấn, đà giảm giá này vẫn tiếp tục trong những ngày đầu tháng Sáu: nếu như ngày đầu tháng này vẫn ở mức 1.956 đô la/tấn, đến hết ngày 10-6, giá kỳ hạn mất thêm 62 đô la, chỉ còn 1.894 đô la/tấn. Nhưng chỉ qua ba phiên giao dịch liên tiếp sau đó, giá robusta đóng cửa hôm qua thứ Sáu 13-6 chốt mức 1.998 đô la/tấn và đang ở mức cao nhất tính từ đầu tháng đến nay (xin xem biểu đồ 1).


Tồn kho dâng cao

Báo cáo mới nhất do Hiệp hội Cà phê Nhật Bản cho biết tính đến hết tháng 4-2016, tồn kho cà phê trên toàn nước Nhật đạt 179.037 tấn, tăng 3.544 tấn so với tháng trước đó. Trong đó, có 72.505 tấn arabica nhập từ Brazil và 22.284 tấn arabica Colombia.

Báo cáo tồn kho thuần robusta đạt chuẩn sàn kỳ hạn London tính đến hết ngày 9-6-2014 tăng thêm 8.790 tấn, đạt 59.730 tấn. Tuy trong kỳ tăng 17,7% nhưng lượng tồn kho này vẫn thấp hơn 50,7% so với cùng kỳ cách đây 12 tháng; bấy giờ đạt mức 121.140 tấn (xin xem biểu đồ 2).

Lượng tồn kho robusta đạt chuẩn của sàn kỳ hạn London tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu nhờ vào nguồn hàng từ Việt Nam. Trong tháng 5-2014, nước ta đã cung cấp 34.820 tấn. Sang tháng này, chỉ từ ngày 2 đến 13-6, hàng robusta đạt chuẩn cũng chỉ do nước ta cung ứng với 6.780 tấn. Dự kiến lượng này vẫn tăng đều trong những ngày tháng tới do các nhà kinh doanh trúng dịp tốt được mua giá xuất khẩu thấp, có khi trừ trên 100 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn.

Đồn đoán của thị trường cho rằng không chóng thì chầy, các hãng kinh doanh sẽ làm đầy kho thuộc sàn kỳ hạn Ice Liffe với chừng từ 250-300 ngàn tấn.

Biểu đồ 2: Diễn biến tồn kho robusta đạt chuẩn thuộc sàn Ice Liffe (nguồn: Newedge SG)

Tồn kho đạt chuẩn arabica thuộc sàn Ice New York tính đến hết ngày 13-6 đạt 152.039 tấn với giá trị thị trường tương đương 591,44 triệu đô la Mỹ. Giá trị tồn kho robusta London đạt 119,30 triệu đô la Mỹ, thua gần 5 lần tồn kho arabica.

Như vậy, trên cả hai sàn, các “thế lực” cà phê huy động chừng 710,74 triệu đô la chỉ để tài trợ cho tồn kho hàng thực (physical) tính theo giá thị trường đến sáng 14-6. Nếu so sánh tương quan lực lượng, vốn dùng cho tồn kho robusta còn “cửa” khá rộng.

Giấc mộng “bá vương”

Một nhà kinh doanh có máu đầu cơ bao giờ cũng muốn thị trường phải theo ý mình. Xây lượng tồn kho hàng thực thuộc hai sàn càng cao, giấc mộng ấy càng dễ thành hiện thực.

Trong kinh doanh cà phê, ngoài mua bán có giá đứt đoạn, nghĩa là hai bên chốt với nhau giá một tấn bao nhiêu tiền dứt khoát (outright), thị trường còn trao đổi với nhau bằng một loại giá tính theo mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn với giá FOB. Nếu mức này thấp hơn giá niêm yết, thị trường gọi là giá trừ lùi, cao là giá cộng tới và sẽ được chốt sau theo thỏa thuận của hai bên mua bán.

Khi lượng tồn kho hàng thực đạt chuẩn để có thể bán đấu giá trên sàn (tenderable) đủ lớn, người có hàng dễ dàng khuynh loát giá thị trường để kiếm lợi về mình và làm “chủ” sàn.

Không ai mua hàng giá cao, đưa đến tích trữ sẵn trên sàn để bán giá thấp hơn cả. Nên lượng hàng tồn kho trong tay đầu cơ càng nhiều, khả năng sàn kỳ hạn có giá outright tăng cao càng lớn. Câu hỏi lớn nhất còn lại là họ muốn cắt lời ở mức bao nhiêu so với giá mua.

Trong trường hợp giá kỳ hạn giảm, họ sẽ sử dụng “ngón đòn” giá chênh lệch. Nếu như mua giá trừ 80/100 đô la/tấn dưới giá London, họ sẽ bán ra mức cộng như 100/200 đô la/tấn trên giá London. Chênh lệch giữa hai giá trị tạm gọi là phần lời sau khi loại trừ các chi phí.

Giá chuẩn của hợp đồng kỳ hạn robusta Ice London cho loại thượng hạng với mức cộng 30 đô la/tấn, loại 1 bằng giá niêm yết, loại 2 với mức trừ 30 đô la/tấn và các loại thấp hơn cách biệt với nhau 30 đô la/tấn cho đến giá thấp nhất là trừ 90 đô la/tấn so với giá niêm yết sàn kỳ hạn.

Không nhất thiết hàng đưa vào kho thuộc sàn là phải đấu giá. Họ chỉ dùng giá niêm yết như mức tham khảo, nhà đầu cơ hàng thực có thể bán cho bất kỳ ai mà họ thấy có lời nhất. Vấn đề ở đây là khi nhà đầu cơ biết chắc họ đã tóm được lượng hàng lớn nhất vào tay mình, bấy giờ mới bắt đầu vận hành giấc mộng “bá vương”.

Nguồn: Thời báo kinh tế sài gòn online