Trong tháng 3-2014, nếu mức ngày 12-3 là đỉnh khi giá cà phê kỳ hạn đạt mức 2.200 đô la/tấn và giá nội địa lên tới 42.000 đồng/kg, thì đến nay thị trường lại đang xuống các mức thấp nhất.

Giá đua nhau rớt

Giá cà phê niên vụ 2013/14 bắt đầu từ ngày 1-10-2013 đã lập được đỉnh cao kỷ lục với mức 42.000 đồng/kg vào ngày 12-3. Đến nay, qua 10 ngày, giá cứ giảm liên tục. Sáng nay thứ Bảy 22-3, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên xuống dưới mức 39.000 đồng, thậm chí có nơi chỉ còn 38.500 đồng, mất gần 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá niêm yết kỳ hạn robusta Liffe NYSE tại London cũng hạ thấp dần tính từ mức đỉnh 2.200 đô la/tấn ngày 12-3, cũng là mức đóng cửa cao kỷ lục của niên vụ này. Đến sáng 22-3, giá đóng cửa sàn robusta chỉ còn mức 2.038 đô la, mất 137 đô la so với cuối tuần trước.

Sau mấy tháng làm đầu tàu kéo giá cà phê thế giới tăng, sàn kỳ hạn arabica Ice New York cũng suy giảm nhanh chóng, đến sáng nay chỉ còn 171,15 xu/cân Anh (cts/lb), mất đi 27,25 cts tức 601 đô la/tấn chỉ sau bảy ngày.

Vì sao giá giảm?

Giá nông sản trên nhiều sàn kỳ hạn đều tăng mạnh từ đầu năm đến cách nay chừng mươi ngày nhờ có tin hạn hán tại Mỹ và tại các nước sản xuất trọng yếu, trong đó có cà phê arabica của Brazil và robusta ở Việt Nam. Tuy nhiên, để giải mã toàn cục cho giai đoạn giá xuống vừa qua, còn có nhiều yếu tố khác.

Giá lên cực mạnh đã kéo được một lượng hàng thực (physical) ra thị trường với mức chênh lệch rẻ. Nếu như trước đây, giá xuất khẩu robusta loại 2,5% đen vỡ bán với mức bằng hay trừ 20 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn, thì nay nhờ giá lên cao, người bán đã chấp nhận giá trừ 120 đô la/tấn, giảm từ 100-120 đô la/tấn. Khi mua được từ các nước sản xuất, các hãng kinh doanh phải đưa lên sàn chốt giá bán để bảo vệ. Hiện tượng giá xuống hiện nay một phần là do sức bán hàng thực quá mạnh gây sức ép lên sàn kỳ hạn.

Mặt khác, các nhà đầu cơ dựa vào tin hạn hán, đã nhanh tay mua trước nhiều hợp đồng kỳ hạn (go long). Nay chính là thời điểm bán dần thu vốn lẫn lời. Lượng bán thanh lý các hợp đồng mua khống này không nhỏ, là sức ép lớn thứ hai làm giá kỳ hạn giảm mạnh và nhanh.

Trong phiên họp kéo dài hai ngày trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm gói kích thích kinh tế; Fed cho biết sẽ giảm gói mua trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán thế chấp từ 65 tỉ đô la mỗi tháng hiện nay xuống còn 55 tỉ và sẽ cân nhắc xuống dần hàng tháng. Vì vậy, chỉ số đồng đô la Mỹ tăng mạnh, từ chừng 79,5 điểm mấy ngày trước, nay lên 80,26 điểm khi đóng cửa ngày 21-3.

Thông thường, nạn nhân của đồng đô la mạnh là giá hàng hóa giảm. Cho nên không ngạc nhiên khi giá cà phê giảm mà cả giá vàng cũng giảm theo; mới đây vàng vượt quá mức 1.390 đô la/ounce, nay chỉ còn 1.335 đô la/ounce.

Họa vô đơn chí: Brazil có mưa trên diện rộng, ít nhất 70% diện tích cà phê nước này sẽ nhận lượng mưa tốt trong những ngày tới. Hãng chuyên nghiên cứu thời tiết ảnh hưởng đến hàng hóa (Commodity Weather Group - CWG) ở Maryland, Hoa Kỳ, hôm thứ Năm 20-3 dự báo lượng mưa tại các vùng cà phê Brazil có thể lên đến 76 mm từ nay tới đầu tuần sau. Lượng mưa này “ắt sẽ giúp thế giới khỏi mất thêm sản lượng cà phê năm tới”, CWG nói.

Tồn kho vơi, giá vẫn rơi

Báo cáo thường kỳ của Hiệp hội Cà phê Nhân Hoa Kỳ (GCA) nói rằng tính đến hết tháng 2-2014, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ chỉ còn 4.826.104 bao (60 kg x bao), giảm 203.234 bao. Lượng giảm này được cho là lớn vì nếu tính từ năm 1989 đến 2013, tháng Hai hàng năm thường là tháng có lượng tồn kho tăng, bình quân của cả thời kỳ ấy tăng 111.005 bao.

Tồn kho cà phê châu Âu do Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) quản lý được báo giảm 431.684 bao tính đến hết năm 2013, chỉ còn 8.656.662 bao, như vậy mất hết 11% so với cùng kỳ năm trước là 9.763.036 bao.

Hiệp hội Cà phê Nhật Bản báo rằng tính đến hết tháng 1-2014, tồn kho trên toàn nước Nhật đạt 172.876 tấn, tăng 3.112 tấn so với tháng 12-2013 nhưng tăng 42% so với cùng kỳ năm 2013, bấy giờ chỉ 121.604 tấn.

Tính đến hết ngày 20-3, tồn kho arabica được sàn Ice New York xác nhận chất lượng (certs) đạt mức 2.587.188 bao hay trên 155.231 tấn, cao gấp 6,5 lần tồn kho certs robusta.

Tồn kho robusta được sàn kỳ hạn Liffe NYSE công nhận chất lượng (certs) đến hết ngày 17-3 chỉ còn 23.840 tấn, giảm 120 tấn so với báo cáo mới đây nhất. So với cách đấy 52 tuần, lượng hiện nay giảm 80,5% vì bấy giờ tồn kho certs này ở mức 149.980 tấn. Suốt trong hai tuần tính đến hết báo cáo, nhờ giá xuất khẩu tính trên chênh lệch (differential) giảm, có đến 1.230 tấn được sàn cấp chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản là các vùng tiêu thụ cà phê truyền thống lớn nhất. Số lượng tồn kho tăng giảm tại các nước này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến giá cà phê thế giới.

Trừ tại Nhật, tồn kho ở những nơi quan trọng khác đều vơi. Với tin ấy, đáng ra giá các sàn kỳ hạn phải tăng, nhưng nay lại rớt không ngớt. Mới hay qui luật cung-cầu chỉ chi phối một phần nhỏ giá hàng hóa, yếu tố đầu cơ nhiều khi ảnh hưởng mạnh mẽ vì hình như là họ “đưa giá lên được, thì cũng đặt nó xuống được”.

Nguyễn Quang Bình
Nguồn: TBKTSG Online

Nguồn: Internet