Sau thành công ở nhiều nước châu Mỹ, tôm thẻ chân trắng (TTCT) được di giống sang Hawaii (Mỹ), rồi dần lan sang châu Á. Nhiều nước Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…) đã nhập và nuôi TTCT, nhằm đa dạng hóa sản phẩm tôm xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc tôm sú.

Thái Lan

Theo số liệu không chính thức của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2004, tổng sản lượng TTCT tại châu Á đạt hơn 1,1 triệu tấn, nâng tổng sản lượng toàn cầu lên 1,38 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan là những vùng nuôi lớn nhất do phù hợp các điều kiện nuôi trồng. Đặc biệt tại Thái Lan, sản lượng TTCT đạt tới 300.000 tấn vào năm 2004, 373.000 tấn vào năm 2008.

Người nuôi tôm ở Thái Lan đã nuôi thành công TTCT cỡ lớn (vượt tôm sú), có ưu thế vượt trội về năng suất, đạt 25 - 30 tấn/vụ/ha; lợi nhuận thu được cao gấp 2 - 3 lần tôm sú. Đạt được điều này là do Thái Lan đã thực hiện quản lý chất lượng toàn diện, kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu tiên (tôm bố mẹ, sinh sản…) đến khâu cuối cùng (thu hoạch, bảo quản, xuất khẩu…) để đảm bảo được chất lượng tôm xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới.

Ấn Độ

TTCT chính thức được nuôi ở Ấn Độ năm 2009 và nhanh chóng gia tăng diện tích cũng như sản lượng. 80% hộ nuôi tôm ở Ấn Độ có quy mô nhỏ với khoảng 0,5  - 5 ha và chủ yếu ở vùng ven biển. Trong năm tài chính 2012 - 2013, tổng khối lượng xuất khẩu tôm sú, tôm càng xanh và TTCT đạt 220.000 tấn. Trong đó, riêng khối lượng TTCT xuất khẩu đạt 91.000 tấn, trị giá 730 triệu USD, tăng so với 50.213 tấn và 385 triệu USD trong năm 2011 - 2012.

TTCT đã mang lại triển vọng tốt cho xuất khẩu tôm của Ấn Độ nhưng lại bị hạn chế nhiều do thiếu tôm giống bố mẹ sạch bệnh. Tuy nhiên, trong năm 2013, Ấn Độ đã có những bước tiến trong việc sản xuất TTCT bố mẹ sạch bệnh. Nhờ đó, có thể đảm bảo nguồn cung tôm bố mẹ sạch bệnh cho sản xuất với giá chỉ bằng 1/2 giá tôm giống nhập khẩu… Ngoài ra, việc chủ động sản xuất tôm giống sạch bệnh trong nước còn giúp Ấn Độ tránh được dịch bệnh lây nhiễm từ nguồn tôm nhập khẩu. Trước đó, Ấn Độ thường nhập khẩu TTCT bố mẹ từ Mỹ, Thái Lan và Singapore với chi phí vận chuyển cao và phải chấp nhận tỷ lệ tôm chết nhất định.

Bangladesh

Từ tháng 11/2012, Bangladesh bắt đầu nuôi thử nghiệm TTCT. Nếu thành công, người nuôi tôm Bangladesh có thể nuôi loài tôm này bên cạnh các đối tượng truyền thống khác như tôm sú hay tôm càng xanh. Hiện, tôm sú và tôm càng xanh chiếm 78% xuất khẩu thực phẩm đông lạnh của Bangladesh và chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản. Sự chuyển hướng nhanh chóng sang nuôi TTCT của nước láng giềng Ấn Độ là động lực chính thúc đẩy Bangladesh nuôi thử nghiệm loài tôm này.

Philippines

Việc nuôi TTCT tại Philippinesđã trải qua nhiều thách thức, trong đó có vụ tiêu hủy tôm giống trị giá  25.500 USD năm 2005 khi Chính phủ nước này chưa chính thức cho phép nuôi. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu kỹ lưỡng cho thấy việc nuôi TTCT mang lại hiệu quả cao, không đe dọa môi trường, góp phần đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp Philippines đã giỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu và nuôi TTCT; đồng thời ban hành bộ hướng dẫn nhập khẩu tôm giống và cách nuôi TTCT.

Trong năm 2013, Philippines đã xuất khẩu ít nhất 7,6 triệu USD TTCT mỗi tháng. Theo Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines (BFAR), xuất khẩu TTCT của nước này sẽ tăng 25% trong năm 2014. Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, Proceso Alcala cho biết, Bộ sẽ đảm bảo ngành tôm Philippines vẫn có tính cạnh tranh kể cả khi các nước bị nhiễm Hội chứng tôm chết sớm thoát khỏi dịch bệnh. “Chúng tôi sẽ kiểm soát giá, sản lượng và chất lượng xuất khẩu. Khi Indonesia và Thái Lan phục hồi, chúng tôi vẫn có thể cạnh tranh; do đó, chúng tôi phải đảm bảo giá sẽ không tăng”, Proceso Alcala nói thêm.

TTCT đang chiếm 2/3 sản lượng tôm nuôi toàn thế giới. Sản lượng TTCT tăng nhanh là do các nước đã sản xuất được tôm bố mẹ sạch bệnh và áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng.

Nguồn: Thủy sản VN

Nguồn: Tin tham khảo