Đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn TPHCM, chất vấn về việc có nhiều loại phí kiểm dịch gây nhiều hệ luỵ, chẳng hạn như một con gà thịt chịu 14 loại phí kiểm dịch.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trước vấn đề phản ánh của báo chí và doanh nghiệp, đã cử Cục trưởng Cục thú y và Đoàn công tác vào kiểm tra. Kết quả cho thấy, Cơ quan thú ý thực hiện theo quy định hiện hành nhưng luật hiện hành có sự bất hợp lý.

Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho rằng, những khoản thu phí bất hợp lý thì phải sửa như thu phí theo quả trứng. "Tôi đã đề nghị kiểm dịch thú ý chỉ thu tại nơi xuất phát 1 lần. Thứ 2 là thu phải hợp đạo lý chứ người ta chở trứng đi rồi đến đếm số trứng rồi thu là không được".

Bộ trưởng cho biết đã đề nghị Cục thú ý xây dựng và gửi sang Bộ Tài chính giảm bớt các loại phí để giảm tới mức tối thiểu phiền phức với người dân.

Chất vấn ngay phần trả lời của Bộ trưởng Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi, vậy thu phí trên quả trứng là do đơn vị nào ban hành.

Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết đây là quyết định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và Bộ Tài chính chấp thuận ban hành. Ông cũng cho biết trong vòng một quý phối hợp cùng Bộ Tài chính sửa lại các quy định này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu huỷ ngay quy định thu phí kiểm dịch với từng quả trứng, rồi sau đó tiếp tục sửa các nội dung khác với các khoản thu phí kiểm dịch bất hợp lý.

Về giải pháp đột phá thu hút doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, qua trao đổi với các doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất là không có đất, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đều đề nghị là cấp vài trăm ha, vài nghìn ha nhưng cả nước không còn chỗ trống để cấp cho doanh nghiệp như vậy, trừ một số nông, lâm trường. Vì vậy, trên thực tế thì với các doang nghiệp như HAGL, TH True Milk thì Bộ cho phép liên kết với các nông, lâm trường cũ và khai thác quỹ đất còn lại đó. Nhưng các quỹ đất của các nông, lâm trường cũng có hạn nên tới đây sẽ thực hiện theo nghị quyết Bộ Chính trị sẽ sắp xếp lại.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, một phần quan trọng nữa là có cơ chế để doanh nghiệp có thể thuê lại ruộng đất của nông dân theo vùng, liên vùng để có thể tổ chức lại sản xuất.

Chẳng hạn như ở Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ cho nông dân để nông dân cho doanh nghiệp để thuê lại đất - ông Phát cho rằng đây là giải pháp quan trọng nhất.

Thái Hà