Ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 nâng kim ngạch xuất khẩu cá tra lên 2,3 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2012.

Các tỉnh đề ra nhiều biện pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, Đồng bằng sông Cửu Long đưa 13.000ha mặt nước khu vực bãi bồi thuộc các cù lao ven sông Hậu và sông Tiền vào nuôi cá tra theo hình thức cao sản với sản lượng đạt 1,85 triệu tấn, tăng 48% so năm 2012, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ.

Trong đó, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, thành phố Cần Thơ có diện tích nuôi lớn nhất, chiếm 63% tổng diện tích nuôi toàn vùng, sản lượng chiếm 64,5% sản lượng toàn vùng.

Để đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi, Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện chất lượng di truyền cá tra, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi vỗ cá bố mẹ, quy trình công nghệ sản xuất giống ở tất cả các cơ sở để bảo đảm tính ổn định về di truyền của loài cá này đồng thời khuyến khích người nuôi mua cá giống có giấy chứng nhận chất lượng giống sạch.

Việc sản xuất cá giống được chia thành ba khu vực. Khu vực 1 gồm tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long; khu vực 2 gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang; khu vực 3 gồm tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Cả ba khu vực sẽ cung ứng trên 3,2 tỷ con giống sạch, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng mở rộng mô hình nuôi theo kỹ thuật “3 giảm 3 tăng,” GAP (thực hành nông nghiệp tốt), ASC (bảo vệ môi trường, xã hội, bảo đảm an sinh động vật và an toàn thực phẩm), MSC CoC (ngư trường bền vững, quản lý và khai thác có trách nhiệm), mã số hóa vùng nuôi, tạo cơ sở để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hoá.

Về chế biến, tiêu thụ cá, Đồng bằng sông Cửu Long không xây dựng nhà máy chế biến tập trung tại một số tỉnh như hiện nay mà sẽ nhân rộng trên 13 tỉnh, thành phố trong vùng, phấn đấu đến năm 2020, nâng số lượng nhà máy lên 130, tăng 62 nhà máy so năm 2010, tổng công suất đạt trên 1 triệu tấn/vụ.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cũng xây dựng thêm 79 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, nâng tổng số nhà máy cùng loại trong vùng lên 202, công suất 2,7 triệu tấn/năm, đáp ứng 60% nhu cầu trong vùng vào năm 2020.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ mở rộng chế biến bột cá nguyên liệu và chế biến xuất khẩu, qua đó góp phần mở rộng vùng nguyên liệu.

Mặt khác, Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch lại hệ thống chế biến và tiêu thụ gắn với nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng để chủ động sản xuất các mặt hàng phù hợp và góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa người nuôi và các cơ sở chế biến, giảm bớt rủi ro về giá cả, thị trường.

Một điểm cũng không kém phần quan trọng đó là Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng cá tra trên thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, nhiều nước châu Á, vùng Trung Đông… là những thị trường tiềm năng trong gần 140 thị trường tiêu thụ cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN)