Thế giới

 

Giá cao su tại Tokyo giảm 2,4% phiên đầu tuần

Giá cao su tương lai sàn Tocom (Tokyo) xuống thấp nhất gần 1 tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế yếu.

Tuy nhiên, hy vọng về quyết định nới lỏng tiền tệ của 2 nước này làm giảm bớt mức giảm.

Giá cao su giao tháng 12 trên sàn Tocom (Tokyo) giảm 6,1 yen xuống 249,1 yen/kg. Trong phiên, giá có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất là 245,5 yen/kg, tương đương giảm 3,8% hoặc 9,7 yen, mức giảm lớn nhất kể từ 3/7

Giá cao su giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải đóng cửa tại 23.960 nhân dân tệ/tấn, giảm 30 nhân dân tệ so với 23.990 nhân dân tệ hôm thứ Sáu.

Giá cao su giao tháng 8 trên sàn SICOM tại Singapore đạt 291,5 cent Mỹ/kg, giảm 1 cent.

Indonesia, quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới, đang xem xét đưa ra mức giá tối thiểu theo thỏa thuận với hai quốc gia sản xuất lớn tại Đông Nam Á là Thái lan và Malaysia, để tránh cho mặt hàng này giảm giá hơn nữa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Thái Lan, nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, sản xuất 3,5 triệu tấn trong năm 2011, cùng với Indonesia sản xuất 3 triệu tấn và Malaysia 996.000 tấn.

Giá cao su kỳ hạn giảm 28% trong quý 2, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và cũng là mức thấp nhất trong 3 năm do nhu cầu giảm vì bóng ma suy thoái.

Asril Sutan Amir, chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia (Gapkindo) cho biết, mức giá tối thiểu nên khoảng 4 USD/kg, thay vì chỉ hơn 3 USD/kg một chút như hiện nay. Ba nhà sản xuất cũng cần lập kế hoạch để quản lý nguồn cung, thống nhất về số lượng xuất khẩu và giảm tần suất khai thác.

Trong năm nay, nông dân Indonesia giảm khai thác mủ, điều này sẽ làm giảm sản lượng cao su của đất nước xuống 9,7% còn 2,8 triệu tấn. Xuất khẩu trong khi đó cũng có thể giảm đến 8% xuống còn 2,3 triệu tấn.

Giácao su tại các vùng của Trung Quốc ngày 9/7/2012  

Phía Bắc Trung Quốc, cao su SCR10 giảm 100 NDT/tấn xuống 22.900 – 23.100 NDT/Tấn; cao su RSS3 (không thuế) giá ổn định ở mức 24.300 NDT/tấn.

Phía Đông Trung Quốc, cao su SCR10 giảm 100 NDT/tấn, xuống 23.000 NDT/tấn (nhà nước); 22.900 NDT/tấn (tư nhân).

Phía Nam Trung Quốc cao su SVR3L giảm 50 NDT xuống 24.000 – 24.400 NDT/tấn (không có thuế).

 

 Trong nước

Thị trường biên giới vẫn đang tiếp tục bị đóng cửa. Cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại đây ngày 9.7.2012 được chào quanh mức  18.500 – 18.600  NDT/tấn, giảm 300 NDT so với ngày 8/7/2012.

VRG sẽ trồng 140.000 ha cao su ở nước ngoài

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vừa cho biết, kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (2011-2015) của tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Theo đó, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, VRG sẽ trồng mới 200.000 ha cao su, gồm 60.000 ha trong nước và 140.000 ha ở nước ngoài. Đến năm 2015, tổng diện tích trồng cao su của VRG sẽ đạt 500.000 ha. VRG bắt đầu triển khai các dự án đầu tư trồng cao su tại Campuchia từ năm 2007. Tính đến nay, tổng diện tích đất mà Vương quốc Campuchia đã giao cho tập đoàn, các công ty con của VRG và các đơn vị thành viên của hiệp hội Cao su Việt Nam là 132.341 ha. Hiện nay, VRG đang triển khai 15 dự án và chuẩn bị cho 1 dự án khác, với tổng vốn đầu tư 13.816 tỷ đồng.

Tính đến đầu năm 2012, số vốn mà VRG đã chuyển qua Campuchia để đầu tư trồng cao su là hơn 3.832 tỷ đồng. Tổng diện tích trồng cao su tính đến cuối năm 2011 của VRG ở Campuchia đạt khoảng 51.000 ha và một số diện tích ban đầu chuẩn bị được đưa vào khai thác trong năm nay.

Doanh nghiệp trồng cao su nhận chứng chỉ rừng bền vững (FSC)

Tổng công ty cao su Đồng Nai và Công ty cao su Dầu Tiếng là hai đơn vị đầu tiên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) nhận chứng chỉ khai thác rừng bền vững (FSC) do tổ chức chứng nhận Control Union (Hà Lan) cấp.

Sau khi nhận được chứng chỉ, các công ty trên đã ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm mủ cao su và gỗ cao su có chứng nhận FSC với nhiều đối tác.

Theo VRG, việc nhận chứng nhận đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có chứng nhận FSC cho rừng cao su và là quốc gia thứ 3 trên thế giới có nguyên liệu mủ cao su có FSC. Hiện nay trên thế giới diện tích rừng cao su cho sản phẩm mủ có FSC là 3.600 hécta và diện tích rừng cao su có chứng nhận FSC cho sản phẩm gỗ là 221.000 héc ta.

Hàng năm VRG sẽ cho thanh lý, khai thác rừng cao su 35.000-40.000 mét khối gỗ tròn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhất là các nhà máy chế biến gỗ thuộc VRG.

Các sản phẩm sản xuất từ gỗ và mủ có chứng nhận FSC sẽ được mang nhãn hiệu riêng để người tiêu dùng nhận ra sản phẩm được khai thác từ những khu rừng được khai thác bền vững.

Việt Nam – Lào tăng cường hợp tác kinh tế đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6/2012, Việt Nam có 214 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,45 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Lào. 

Dự kiến, thời gian tới, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có khả năng đạt gần 4,5 - 5 tỷ USD. Tính đến nay, vốn thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt khoảng 691 triệu USD, trong đó một số dự án đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, nhà đầu tư đã có doanh thu và đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước Lào và tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Lào.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã đi vào hoạt động như dự án 10.000 ha cao su của Công ty cao su Đăk Lăk và một số dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2012 như: dự án Thủy Điện Sekeman 3 công suất 250 MW; dự án 10.000 ha cao su của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; dự án trồng cao su của Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng tại tỉnh Chămpasắc; dự án trồng cao su của Công ty hữu nghị Lào- Việt tại tỉnh SêKông… 

 

Nguồn: Vinanet