Nhật Bản: Giá cá ngừ mắt to giảm do nguồn cung tăng

Nguồn cung cá ngừ mắt to tăng đang đẩy giá giảm 3,5% so với tháng 2/2015.

Báo chí Nhật Bản đưa tin, tháng 3/2015, khối lượng cá ngừ mắt to đông lạnh cỡ lớn trên 40kg/con tại chợ bán buôn Tsukiji ở Tokyo đã tăng lên khoảng 1.000 con/ngày, từ 600-700 con/ngày trong tháng 2. Nguồn cung cá ngừ mắt to trưởng thành này được khai thác có chủ đích bởi các tàu câu vàng tại Ấn Độ Dương. Trên thị trường Nhật Bản, với nguồn cung tăng, giá đã giảm xuống 6,85 USD/kg từ 7,1 USD.

Ấn Độ: Sản lượng khai thác cua giảm

Sản lượng khai thác cua của ngư dân Meemisal, một làng chài thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ giảm mạnh trong 2 năm vừa qua.

Sản lượng khai thác ngày đạt khoảng 2 tấn trong vài năm trước đây tuy nhiên hiện giảm xuống chỉ còn 600 kg. Cua của khu vực này được XK chủ yếu sang Mỹ, Thái Lan và Philippines. Không chỉ giảm về tổng khối lượng, kích cỡ cua khai thác cũng giảm mạnh. Trước đây, cua có kích cỡ khoảng 400-500 gam hiện chỉ đạt 200 gam. Do vậy, giá cua cũng giảm theo.

Tây Ban Nha – Thị trường tiêu thụ thủy sản đông lạnh hàng đầu Châu Âu

Tây Ban Nha không chỉ là nhà sản xuất mà còn là nhà tiêu thụ thủy sản đông lạnh lớn nhất EU, với tổng giá trị bán lẻ thủy sản đông lạnh tại nước này đạt 1.800 triệu euro mỗi năm. Đặc điểm nổi bật trong tiêu thụ của Tây Ban Nha so với các nước EU khác là thủy sản chiếm tới hơn 1/3 tổng chi tiêu của người dân cho các sản phẩm đông lạnh.

Tây Ban Nha là một nước xuất siêu một số loại thủy sản đông lạnh với thặng dư 127,9 triệu euro trong năm 2013.

Doanh thu các mặt hàng thực phẩm đông lạnh trong năm 2013 đạt mức thấp nhất kể từ đầu giai đoạn khủng hoảng. Số liệu đầu năm 2014 không cho thấy dấu hiệu khả quan. Ngành thủy sản đông lạnh cũng gặp nhiều bất lợi do một số yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu thay đổi do giá cả trong giai đoạn lạm phát toàn cầu. Thứ hai là nhu cầu tiêu thụ giảm do khủng hoảng kinh tế. Thứ ba là do ngành sản xuất đang trong quá trình tái cơ cấu.

Tây Ban Nha có nhu cầu đáng kể đối với các sản phẩm thủy sản đông lạnh, và người tiêu dùng ngày càng nắm được nhiều thông tin và yêu cầu ngày càng khắt khe về sản phẩm.

Ngành thủy sản nước này đang trải qua quá trình tái cơ cấu, nhưng triển vọng trong thời gian tới, thị trường cho các sản phẩm thủy sản đông lạnh sẽ ổn định hơn, tạo nhiều cơ hội cho các nhà XNK thủy sản trong và ngoài nước.

Philippines cần cải thiện lĩnh vực lao động trong ngành cá ngừ

Bộ trưởng Bộ lao động Philippines kêu gọi ngành cá ngừ nước này cập nhật những cải cách trong lĩnh vực lao động và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế lao động trong ngành cá ngừ của Philippines tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng xấu tới việc Philippines được hưởng ưu đãi thuế quan theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập GSP+ của EU. Các công ty cá ngừ của Philippines cần tuân thủ luật lao động để tránh các vấn đề có thể phát sinh với EU.

GSP+ của EU chủ yếu miễn thuế cho hơn 6.000 mặt hàng XK từ Philippines sang các nước thành viên trong đó có các sản phẩm cá ngừ chế biến và cá ngừ hộp được đánh bắt bởi các tàu có gắn cờ của Philippines.

Doanh thu hàng năm ngành chế biến cá ngừ đạt 350 triệu USD và tạo việc làm cho 20.000 công nhân. Ưu đãi GSP+ của EU mang lại thêm ít nhất 15 triệu USD cho các nhà XK cá ngừ Philippines.

Anh: Cam kết tiêu thụ thủy sản bền vững

Một trong 10 thành phố lớn nhất nước Anh - Cardiff vừa chấp thuận cam kết trở thành "thành phố chỉ tiêu dùng thủy sản bền vững".

Đây cũng là địa phương đầu trên toàn thế giới tuyên bố chỉ chỉ sử dụng những sản phẩm thủy sản có nguồn gốc bền vững. Quyết định trên có tác động lớn trên toàn quốc, do hàng loạt trường học, bệnh viện tại Anh tiêu thụ 5 triệu tấn thủy sản bền vững hàng năm. Nhiều thành phố khác như Brighton, Hove, Plymouth, London cũng đồng nhất quan điểm đẩy mạnh mạng lưới tiêu thụ sản phẩm bền vững.    

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp