Brazil: Năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 4 lần

Brazil có kế hoạch tăng nuôi trồng thủy sản từ mức 480.000 tấn lên 2 triệu tấn vào năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản Brazil Helder Barbalho cho biết: nước này có kế hoạch hợp thức sản xuất thủy sản ở các hồ chứa thủy điện. Kế hoạch này gặp trở ngại như giấy phép quản lý môi trường và sử dụng đất. Chính phủ Brazil đang muốn thúc đẩy doanh số bán hàng của cá paiche.

Giá tôm nguyên liệu tăng ở Ấn Độ, giảm ở Thái Lan

Giá tôm nguyên liệu ở Ấn Độ đang gia tăng, trong khi tại Thái Lan lại giảm.

Tại Ấn Độ, các nhà chế biến nước này đã thanh lý hàng tồn kho và đang bắt đầu mua trở lại vì vụ sản xuất chính sắp diễn ra. Giá tăng trên diện rộng đặc biệt là tôm cỡ 30. Tuy nhiên, việc thu hoạch chưa được nhiều.

Với Thái Lan, các nhà chế biến đang mua tôm với khối lượng lớn hơn nhằm chuẩn bị cho lễ hội té nước "Songkran" từ ngày 13- 15/4. Điều này khiến giá tăng lên nhưng đã sụt giảm nhanh chóng ngay sau hộ chợ thủy sản Boston. Hiện tại giá đang tiếp tục sụt giảm khi các nhà chế biến giảm sức mua khi lễ hội Songkran sắp tới gần. Vào dịp lễ hội này, các nhà máy tôm Thái Lan thường đóng cửa ít nhất 5 ngày và lâu nhất là 10 ngày.

Tuy nhiên, sản lượng tôm nguyên liệu ở Thái Lan và Ấn Độ năm nay được cho là thấp hơn mong đợi.

Mỹ từ chối nhập khẩu nhiều lô tôm do nhiễm kháng sinh

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang tập trung kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm NK. Số lô hàng bị từ chối đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 2, FDA đã từ chối NK 107 lô tôm, tăng 224% so với 2 tháng đầu năm 2014.

Dư lượng kháng sinh cấm là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số lượng các lô hàng bị từ chối. 75% tôm bị từ chối là do nitrofuran và dư lượng thuốc thú y.

Malaysia là nước có nhiều lô hàng bị từ chối nhất với 70 lô, tăng mạnh so với 6 lô cùng kỳ năm ngoái. Nhiễm kháng sinh là lý do chính mà tôm Malaysia bị FDA từ chối NK. Ngoài ra, Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc cũng có sản phẩm bị từ chối.

Hai tháng đầu năm 2015, số lô tôm bị FDA từ chối tương đương 1/3 tổng lô tôm bị từ chối trong năm 2014. Số lượng lô hàng bị từ chối vừa qua cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Sản lượng khai thác cá ngừ toàn cầu giảm năm 2013

Năm quốc gia chính khai thác cá ngừ báo cáo sản lượng cá ngừ giảm năm 2013. Sản lượng khai thác cá ngừ của Nhật Bản - nước khai thác lớn thứ 4 thế giới - giảm 3,5% năm 2013. Sản lượng đạt 464.997 tấn năm 2011, giảm xuống còn 459.233 tấn năm 2012 và tiếp tục giảm xuống 443.089 năm 2013.

PNA giảm sản lượng khai thác từ 471.095 tấn của 2012 xuống 426.421 tấn năm 2013, giảm 9,5%. Năm 2011, sản lượng chỉ đạt 382.511 tấn. Năm 2013, 3 quốc gia còn lại cũng giảm sản lượng khai thác cá ngừ đó là Đài Loan, giảm 2,6% từ 366.468 tấn xuống 357.071 tấn; Ecuador giảm giảm 5,7% từ 328.215 tấn xuống 309.488 tấn; Mỹ giảm 1,5%.

EFCA tăng 20% số vụ thanh tra thủy sản

Năm 2014, Cơ quan Kiểm soát Nghề cá Châu Âu (EFCA) tăng cường tần suất thanh tra 20% so với năm 2013. Có 793 vụ vi phạm được phát hiện với tổng 12.700 vụ thanh tra. Năm 2013, có hơn 8.800 vụ thanh tra và 563 vụ vi phạm bị phát hiện.

Ủy ban Châu Âu (EC) đã hỗ trợ EFCA trong các hoạt động xây dựng năng lực ở các nước thứ ba trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác nghề cá bền vững, góp phần đánh giá cơ chế của nước thứ ba trong việc chống lại các hoạt động khai thác IUU.

Năm 2014, EFCA đã đào tạo 850 thanh tra viên gồm hơn 10% là các thanh tra nghề cá của khu vực.

EFCA góp phần thực hiện suôn sẻ các yêu cầu mới trong chính sách nghề cá chung đã được cải cách và phối hợp với các nước thành viên đẩy mạnh khả năng liên kết thực hiện và xây dựng năng lực chung.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp