Xuất khẩu cá ngừ sang EU hồi phục

Theo thống kê của Hải quan, tính từ đầu năm tới 15/2/2015, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt 15,7 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do khu vực này tăng cường NK thăn cá ngừ đông lạnh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá ngừ hộp.

Cá ngừ hộp là sản phẩm chính của Việt Nam XK sang khối thị trường này, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2014. Cá ngừ sống/tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304) tăng mạnh nhất 7.750% so với cùng kỳ năm trước.

Đức, Tây Ban Nha và Italy là 3 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU tính từ đầu năm đến nay. Trong khi Đức và Tây Ban Nha tăng NK cá ngừ từ Việt Nam thì Italy giảm NK. XK cá ngừ Việt Nam sang Tây Ban Nha tăng mạnh nhất trong giai đoạn này. Với đà tăng này, Tây Ban Nha vươn lên top 3 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ Việt Nam trong khối EU trong khi Hà Lan bị mất vị trí top 3.

Đức là thị trường tiêu thụ lớn nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. XK cá ngừ Việt Nam sang thị trường này tính tới 15/2/2015 đạt 5,6 triệu USD, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đức đang có nhu cầu NK cá ngừ được khai thác không sử dụng các thiết bị dò cá (FAD). Các nhà NK Đức đang chú ý đến các nhà cung cấp Việt Nam và PNA vì họ có thể đáp ứng yêu cầu này.

Tây Ban Nha, nước sản xuất 67% sản lượng cá ngừ hộp của EU, hiện tăng mạnh nhất NK cá ngừ từ Việt Nam. XK cá ngừ sang thị trường này tính từ đầu năm tới nửa đầu tháng 2/2015 đạt 2,6 triệu USD, tăng 125%. Nước này tăng mạnh NK cá ngừ để đáp ứng nhu cầu cá ngừ nguyên liệu cho ngành chế biến cá ngừ hộp nội địa.

XK cá ngừ sang thị trường Italy đạt 1,7 triệu USD, giảm 36,7% do giảm mạnh NK sản phẩm cá ngừ thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi).

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), NK các sản phẩm cá ngừ của EU từ các nước trên thế giới trong năm 2014 giảm so với năm 2013. Tổng giá trị NK cá ngừ của 28 nước EU năm 2014 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 33,7% so với năm 2013. Tây Ban Nha là nước đứng đầu về NK cá ngừ trong khối EU.

Năm 2014, EU NK cá ngừ từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tây Ban Nha, Thái Lan và Ecuador là 3 nước XK nhiều nhất cá ngừ cho EU. Trong khi đó, Philippines và Indonesia chỉ đứng ở vị trí thứ 6 và 11. Việt Nam đứng thứ 22.

Khai thác của EU không đủ để cung cấp cho ngành chế biến thủy sản. EU phụ thuộc vào 63-65% thủy sản NK mỗi năm, đối với các loài thủy sản chính, sự phụ thuộc này lên tới 90%. Hiện tại, các quốc gia sản xuất cá ngừ hộp ở EU gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Bồ Đào Nha đang tăng cường NK thăn cá ngừ đông lạnh để cung cấp cho các nhà máy chế biến của khu vực, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội và duy trì 15.000 việc làm cho công nhân tại các nhà máy. Pháp đang có nhu cầu tăng hạn ngạch NK thăn cá ngừ từ 22.000 tấn lên 25.000 tấn trong khi Italy đang có nhu cầu NK 30.000 tấn.

Ecuador là nhà cung cấp lớn nhất thăn cá ngừ sơ chế cho các nhà máy chế biến cá ngừ hộp ở Tây Ban Nha và Italy. Ecuador được hưởng mức thuế 0% khi XK sang EU nên đây là đối thủ nặng ký của các nhà cung cấp Châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Phillipines. Tây Ban Nha đang yêu cầu Ủy ban Châu Âu (EC) bỏ hạn ngạch 22.000 tấn thăn cá ngừ NK miễn thuế từ Châu Á do Thái Lan và Phillipines chưa tuân thủ các yêu cầu về sản phẩm cá ngừ bền vững đồng thời giúp bảo vệ ngành chế biến nội địa. Như vậy, các nhà cung cấp Việt Nam nên chú trọng vấn đề này để có thể cung cấp các sản phẩm bền vững cho thị trường EU.

Đồng EUR đang giảm xuống mức thấp 11 năm, tuy nhiên giá cá ngừ vằn giảm mạnh ở mức 1.000 USD/tấn nên các nhà NK cá ngừ ở Châu Âu chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nếu đồng EUR tiếp tục giảm thì chắc chắn nhu cầu tiêu thụ cá ngừ ở EU giảm, dẫn tới NK cá ngừ hộp sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, đồng tiền này đang có dấu hiệu mạnh lên do ngân hàng TW Châu Âu ECB nỗ lực kích thích tỷ giá. Trong bối cảnh biến động tỷ giá hiện tại, các nhà XK cá ngừ Việt Nam nên đa dạng hóa các thị trường XK để giảm bớt tác động của biến động tỷ giá đối với doanh số XK.

Ngoài ra, cá ngừ Việt Nam hy vọng năm 2015 sẽ được hưởng lợi nhờ hiệp định FTA với EU. Nếu đàm phán thành công, hơn 90% mặt hàng của Việt Nam sang EU trong đó có thủy sản sẽ được hưởng mức thuế 0%. Tuy nhiên, trước thềm hội nhập với EU, các nhà chế biến và XK cá ngừ của Việt Nam càng phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu khá khắt khe của thị trường này.

Canada: Mầm bệnh ở cua xanh có thể tác động xấu tới tôm hùm

Mầm bệnh trên cua xanh (cua bùn) được phát hiện ở tôm hùm tại một số vùng nuôi ở Canada. Có hiện tượng này là do việc sử dụng cua xanh làm mồi câu tôm hùm trong những năm gần đây, theo nghiên cứu gần đây của Khoa Nông nghiệp thuộc đại học Dalhousie, Canada.

Theo nghiên cứu, cua xanh mang tới 13 mầm bệnh khác nhau, một trong số đó có thể lây nhiễm sang tôm hùm. Giá tôm hùm giảm, chi phí nhiên liệu tăng và chi phí mồi câu cao buộc ngư dân khai thác tôm hùm phải tìm tới mồi câu có giá thấp hơn.

Số lượng cua xanh tăng ảnh hưởng tới sự phát triển của các giáp xác có vỏ mềm hơn như ngao, hàu ở vùng biển Canada thuộc Đại Tây Dương. Ngư dân đang tìm biện pháp để loại bỏ loài cua này khỏi các vịnh.

Mỹ: Xuất khẩu cua giảm 70% trong tháng 1/2015

Tháng 1/2015, XK thủy sản của Mỹ đạt 68.090 tấn, trị giá 241,7 triệu USD, lần lượt giảm 18,2% và 10% so với tháng 1/2014. Trong đó, cua, cá hồi, cá minh thái Alask và tôm hùm là những sản phẩm giảm mạnh nhất. XK cua giảm mạnh với khối lượng giảm 70% từ 5.765 tấn xuống 1.725 tấn. Giá trị XK mặt hàng này giảm từ 26,8 triệu USD (29,4 triệu EUR) xuống 20,5 triệu USD (19,1 triệu EUR).

Greenpeace: Phần lớn cá ngừ hộp Mỹ không đạt tiêu chuẩn bền vững

Hơn 80% cá ngừ được bán ở thị trường Mỹ không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về bền vững, theo xếp hạng cá ngừ hộp của Greenpeace.

Tổ chức này đã đưa ra kết luận sau khi phân tích 14 nhãn hiệu nhà nước và tư nhân nổi tiếng của Mỹ. Phần lớn các thương hiệu đều không có các biện pháp thích hợp để đáp ứng yêu cầu bền vững, lợi ích người tiêu dùng và các vấn đề về lao động, kể cả các thương hiệu lớn nhất như StarKist, Bumble Bee và Chicken of the Sea. Ba thương hiệu này bị cho là có các hoạt động khai thác hủy diệt và đã diệt hàng vạn sinh vật biển mỗi năm. Greenpeace khuyến cáo người tiêu dùng Mỹ nên tránh các sản phẩm của Bumble Bee và Chicken of the Sea do các thương hiệu này không đảm bảo được tương lai cho nguồn lợi thủy sản ở các đại dương. Thông tin này tác động xấu tới kinh doanh của Thai Union vì tập đoàn này sở hữu cả 2 thương hiệu trên.

Tuy nhiên Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) phản đối các tiêu chí đánh giá của Greenpeace vì cho rằng nó mang tính chủ quan và không minh bạch.

Theo xếp hạng của Greenpeace, Wild Planet, American Tuna và Ocean Naturals là các thương hiệu cung cấp các sản phẩm cá ngừ bền vững và có trách nhiệm với xã hội nhất.

Xếp hạng cá ngừ Mỹ là một phần trong chiến dịch toàn cầu của Greenpeace nhằm hướng tới ngành công nghiệp cá ngừ bền vững và công bằng đối với các đại dương và những người phụ thuộc vào các đại dương.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep