Diễn biến thị trường Tết Nguyên đán Âm lịch, các lễ hội mùa xuân, cùng với tác động từ sự điều chỉnh giá điện, xăng, dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015 có thể tăng nhẹ.

Cung cầu bình ổn ngay trong tháng Tết

Thời gian cao điểm Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 rơi trọn trong tháng 2/2015, thị trường hàng hoá tiếp tục sôi động nhất là thời điểm từ 23 Tháng Chạp đến ngày 28,29,30 Tết (từ ngày 11/2/2015 đến ngày 18/2/2015).

Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu và có nhiều sự lựa chọn cho người dân. Giá cả thị trường trong và sau Tết cơ bản ổn định trên phạm vi cả nước. Một số nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản), hàng công nghệ (bia, nước giải khát...) tăng nhẹ vào một số thời gian cao điểm theo quy luật Tết hàng năm, không có hiện tượng sốt giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng 1/2015. Nếu tính từ năm 2000 đến nay thì đây là năm đầu tiên có CPI tháng 2 giảm so với tháng trước.

Không "sốt" giá dù sức mua tăng mạnh

Tháng 2/2015 là thời điểm có Tết Nguyên đán Ất Mùi, thị trường cung cầu hàng hóa trong nước sôi động, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Sức mua tăng mạnh ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm và một số sản phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết (đồ uống và thuốc lá, may mặc... gây sức ép tăng giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2015 ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2014 (tăng 6,2%), 2013 (tăng 3,6%).

Tuy nhiên, giá cả thị trường hàng hóa dịch vụ trong nước tháng 2/2015 cơ bản bình ổn do một số yếu tố sau:

Nguồn cung hàng hoá dồi dào, được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân; các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ mở cửa bán hàng kéo dài đến chiều tối ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày 2 Tết, cùng với việc thời tiết những ngày cận Tết có dấu hiệu ấm lên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân, giảm sức ép tăng giá.

Theo quy luật hàng năm, nhu cầu đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thường tăng vào dịp giáp Tết Nguyên Đán khiến giá các mặt hàng này tăng cao. Tuy nhiên, năm nay do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh trong tháng 1/2015, giá cước vận tải giảm theo; bên cạnh đó, do Tết năm nay được nghỉ sớm nên áp lực về cầu hàng hoá được giảm bớt vào thời điểm cận Tết, người tiêu dùng cũng không mua tích trữ nhiều, góp phần giảm áp lực tăng giá.

Do vậy, giá lương thực, thực phẩm trong tháng 2/2015 cơ bản ổn định, chỉ biến động tăng tại một số thời điểm cận Tết nhưng mức tăng không cao. Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2/2015 chỉ tăng 0,53% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 2 của nhiều năm trở lại đây, góp phần quan trọng giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường tháng 2/2015.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá trong dịp Tết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Cụ thể: giữ ổn định giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục trong tháng Tết; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm; cung cấp đầy đủ, ổn định các hàng hóa thiết yếu cho đời sống (điện, nước sạch sinh hoạt, LPG, xăng dầu …); thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả thị trường, chống buôn lậu; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Dự báo chỉ số giá có thể sẽ tăng

Diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ từ 16/2/2015 (tức 28 tháng Chạp Âm lịch), thời gian cận Tết Nguyên đán được tính vào chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015; mặt khác, tháng 3/2015 là thời điểm của Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình khả năng sẽ tiếp tục tăng; giá thóc, gạo có xu hướng tăng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, giá thức ăn chăn nuôi có thể tăng do giá nguyên liệu tăng; giá điện, xăng dầu, dịch vụ công... tiếp tục được quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết (từ 23/2/2015 đến 15/3/2015) trở lại bình thường; chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan... Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015 có thể tăng nhẹ so với tháng 2/2015.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn: Thời báo tài chính