Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giảm 0,1% xuống 56,93 USD/thùng, sau khi xuống đáy 2 tháng ở mức 56,96 USD/thùng phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu Mỹ giảm 4,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3.

Giá dầu Brent gần như đi ngang ở mức 62,07 USD/thùng, sát mức thấp nhất 2 tháng.

Giá dầu thô tiếp tục giảm sau thông tin số giàn khoan mới của Mỹ tăng lần đầu tiên trong vòng 7 tháng. Dự trữ dầu thô tuần qua của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng,  tăng lần đầu tiên trong 9 tuần do các nhà sản xuất dầu ở Mỹ tăng sản lượng trong tháng 4 với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1971. Công suất của các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng tăng từ 94% lên 95%.

Đây có thể coi là tín hiệu tiêu cực đối với giá dầu sau khi phục hồi hơn 25% trong quý II sau khi xuống thấp nhất 6 năm hồi tháng 3. Giới đầu tư và chuyên gia cảnh báo, giá dầu có thể sắp lại chứng kiến một đợt giảm mạnh nữa.

Giá dầu phục hồi một nửa những gì đã mất sau khi xuống thấp nhất 6 năm hồi tháng 3 do thị trường kỳ vọng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, sản lượng dầu thô có thể giảm cùng với việc số giàn khoan giảm. Tuy nhiên, thực tế đang đi ngược lại kỳ vọng này. Các nhà sản xuất của Mỹ đang lên kế hoạch tăng sản lượng trong khi dự trữ dầu thô vẫn gần ở mức kỷ lục 80 năm.

Trong khi đó, các nước Trung Đông, đặc biệt các thành viên OPEC vẫn giữ nguyên lập trường tăng sản lượng. Sản lượng dầu thô của Ả rập Xê út có thể tiếp tục phá kỷ lục trong mùa hè này. Ả rập Xê út  sản xuất 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 5, song theo giới chuyên gia trong ngành, con số này có thể lên 11 triệu thùng/ngày ngay trong mùa hè này với lý do nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng.

Bất chấp giá dầu giảm mạnh, các nước Trung Đông dường như không có ý định cắt sản lượng để hỗ trợ giá. Trái lại, các nước này sẵn sàng chấp nhận giá giảm để giữ thị phần.

Minh Phương
Theo WSJ