Bắt đầu từ hôm nay 16/3/2015, giá bán điện được điều chỉnh tăng. Đây là đợt tăng giá đầu tiên kể từ giữa năm 2013. Lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là từ ngày 1/8/2013 với mức tăng 5%, từ 1.437 đồng/kWh lên 1.508,85 đồng/kWh.

Mức tăng này sẽ đảm bảo các yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Các cơ sở của đợt tăng giá lần này

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xem xét tổng thể về ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến hoạt động kinh tế và đặc biệt là đời sống của nhân dân.

Sau khi xem xét lựa chọn các phương án, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chỉ cho phép tăng giá điện bình quân lần này là 7,5%.

Ở mức tăng giá này thì ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến tốc độ tăng CPI năm 2015 theo tính toán của Liên bộ khoảng từ 0,18-0,23%.

Đối với các hộ tiêu thụ điện 50 kWh/tháng thì mức tăng thêm khoảng 4.800 đồng, còn đối với các hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng thì mức tăng là 9.800 đồng.

Đợt điều chỉnh giá điện lần này Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cụ thể ở đây là Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân. Theo Quyết định này thì từ năm 2013 đến 2015 giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh nhưng cao nhất không vượt quá mức tối đa là 1.835 đồng/kwh. Như vậy, giá 1,622 đồng/kwh sau khi tăng 7,5% lần này là trong mức cho phép.

Việc tính toán và kiểm tra việc tăng giá điện lần này căn cứ vào báo cáo kiểm tra giá thành ngành điện năm 2013 đã được tổ công tác kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương làm tổ trưởng thực hiện.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, ước tính chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2014. Các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất (ngày 1/8/2013) đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới (ngày 31/1/2015).

Liên bộ cũng xem xét kế hoạch sản xuất, cung ứng điện năm 2015 và kiểm tra những yếu tố đầu vào liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện như chi phí nhiên liệu, chi phí giá dầu, giá khí, giá than, liên quan đến vấn đề tỷ giá. Nếu không tăng giá điện lần này, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Nếu phải bù lỗ thì sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia.

Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đã xem xét tất cả các chỉ số tổng hợp và chỉ cho phép lợi nhuận của EVN ở mức 1% và phần chênh lệch bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn treo, chưa được phân bổ của giá điện trong những năm trước.

Đặc biệt lần này, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - những thành viên trong tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô kiểm tra và đánh giá tổng thể ảnh hưởng của giá điện đến tăng trưởng GDP, tốc độ tăng CPI và những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mức tăng giá 7,5% lần này đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Mục đích tăng giá điện lần này

Để bù đắp các yếu tố đầu vào thay đổi, như giá nhiên liệu, tỷ giá.
Để giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện trong thời gian tới. 

Để tiết kiệm nguồn nhiên liệu như than, dầu khí khi sản xuất điện.
Để tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành tiêu hao nhiều năng lượng.

Để thu hút đầu tư vào ngành điện, góp phần phát triển kinh tế.

Để người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm điện.

Một số nét trong kinh doanh của ngành điện

Chi phí ngành điện đã tăng trong 2 năm qua

Theo Quyết định 69 của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường, nếu chi phí đầu vào tăng 7%, EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện, nếu trên 10% thì Thủ tướng phê duyệt. Đến nay, chi phí đầu vào của EVN đã tăng trên 12% và gần 2 năm nay, các thông số đầu vào như dầu, khí, than, liên tục tăng, làm tăng chi phí sản xuất điện lên 10.491 tỷ đồng. 

Mặc dù gần đây giá hàng hóa nguyên liệu có giảm, song nếu so với thời điểm 1/8/2013 (lần gần đây nhất EVN tăng giá điện) thì các chi phí cho than, khí, dầu…. đều tăng, đồng nghĩa với việc EVN phải chi ra một số tiền lớn hơn để mua điện, điều này trái với mục tiêu là cân bằng giữa giá mua điện và giá bán điện cho khách hàng. Nếu EVN lỗ sẽ không đủ tiền mua tiếp để bán cho người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất là cung cấp điện không ổn định mà cung cấp điện không ổn định thì nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Với việc sản xuất kinh doanh điện hiện nay, EVN đang nắm giữ sản xuất các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, YaLy, Trị An, Tuyên Quang. Trên thực tế, giá thành của các nhà máy thuộc EVN rất thấp. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An và Tuyên Quang giá thành từ 300-500 đồng/kWh. Trong kế hoạch sản xuất năm 2015, các nhà máy của EVN sản xuất 27 tỷ kWh. Trong khi đó, tổng sản lượng điện mua và điện sản xuất của toàn hệ thống điện Quốc gia là 161 tỷ kWh. Như vậy, phần sản lượng của EVN chỉ chiếm 17% tổng sản lượng điện sản xuất và điện mua của toàn hệ thống. Còn lại, EVN phải mua của các đối tác theo các hợp đồng mua bán điện khoảng 83% sản lượng. Sản lượng này EVN ký hợp đồng với từng nhà máy một, từng công ty một, kể các công ty tư nhân và các công ty TNHH Một thành viên. EVN phải trả tiền cho các nhà máy này theo hợp đồng. Các hợp đồng mua bán điện này phải đàm phán trên cơ sở chi phí của từng nhà máy và theo hướng dẫn của Thông tư số 41/2010/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện và bây giờ là Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện và Thông tư số 57/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện. Thông tư 56 có hiệu lực từ ngày 3 tháng 2 năm 2015 thay thế Thông tư 41 phản ánh đúng biến động của từng thành phần chi phí nhiên liệu, gồm: biến động theo chi phí nhiên liệu chính (than, khí), biến động theo chi phí nhiên liệu phụ (dầu) và biến động theo chi phí khác…  Đối với nhà máy nhiệt điện thì giá điện sẽ biến động theo giá nhiên liệu. Nếu giá than, giá khí, giá dầu tăng thì ngay tháng sau EVN phải trả tiền cho bên bán điện theo giá tăng. Mặc dù giá bán lẻ điện không tăng nhưng EVN vẫn bỏ tiền ra để trả đầy đủ cho các nhà máy điện vì nếu không bên bán điện sẽ không có tiền để phát điện tiếp và những tháng sau EVN sẽ không thể mua điện được. 

Ngoài ra, một số các khoản chi phí khác như: chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: 1.019 tỷ đồng; chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30MW: 166  tỷ đồng… Cùng với đó là khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2013 còn chưa phân bổ lên tới 8.811 tỷ đồng. Sau khi giá điện tăng 7,5%, khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 là khoảng 926 tỷ đồng, số tiền chênh lệch còn lại được phân bổ qua từng năm từ thời điểm 2016 trở về sau khoảng 7.880 tỷ đồng.

Theo EVN, nếu không điều chỉnh giá điện, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng và không thể đầu tư phát triển sản xuất và cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển của nềnkinh tế đất nước. Tăng giá bán điện từ 16- 3 thì doanh thu của EVN tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng đủ bù đắp chi phí thực tế.

Đảm bảo sự minh bạch

Sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp từ Thông tư 56 và 57 của Bộ Công Thương đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển của ngành điện Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đảm bảo công bằng, minh bạch giữa bên mua và bên bán đồng thời ban hành khung giá phát điện làm cơ sở cho các bên tham chiếu khi tính toán và đàm phán giá hợp đồng mua bán điện. 

Từng hợp đồng mua bán điện của EVN phải trình Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực phê chuẩn sau khi đã đàm phán xong. Hàng năm, kiểm toán độc lập vào để kiểm toán toàn bộ chi phí mua điện cũng như chi phí sản xuất của EVN. Đồng thời, theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, EVN công bố công khai kết quả giá thành và kết quả sản xuất kinh doanh điện hàng năm. 
Nguyên tắc điều chỉnh giá điện lần này và lần tiếp theo đều dựa trên cơ sở bản cấu thành giá thành thuần túy của sản xuất, kinh doanh điện, hoàn toàn không liên quan tới các khoản đầu tư ngoài ngành. Chỉ những yếu tố nào được đưa vào trong giá thành sản xuất điện mới được xem xét để điều chỉnh giá điện.

Đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN thì EVN phải thực hiện theo chỉ đạo của Nhà nước. Hiện EVN đang trong lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành và đến nay đã được khoảng 60% tổng vốn đầu tư ngoài ngành là 2.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, EVN sẽ lập kế hoạch để thoái nốt. Theo phó chủ tịch EVN, đến thời điểm này, tất cả các công ty đầu tư ngoài ngành của EVN đều hoạt động có lãi chứ không lỗ cho nên không có chuyện tăng giá điện để bù lỗ cho các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN. 

Mức tăng giá điện

Ngày 12/03/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện. Đây là mức giá đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 5/3/2015.

Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện từ 16/3/2015, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên là 1.622,05 đồng/kW/h (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 7,5% so với giá bán lẻ điện bình quân trước ngày 16/3 là 1.508,85 đồng/KWh.

Quyết định nêu chi tiết mức giá điều chỉnh áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng, ở các cấp điện áp khác nhau và có giá chênh lệch khác nhau, phụ thuộc vào thời gian sử dụng của khách hàng theo thời điểm giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm.

Với biểu giá mới này, những hộ tiêu thụ điện thấp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Cụ thể, quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc: Bậc 1 cho kW từ 0-50 là 1.484 đồng/kWh; Bậc 2 cho kW từ 51 - 100 là 1.533 đồng/kWh; Bậc 3 cho kW từ 101 - 200 là 1.786 đồng/kWh; Bậc 4 cho kW từ 201 - 300 là 2.242 đồng/kWh; Bậc 5 cho kW từ 301 - 400 là 2.503 đồng/kWh; Bậc 6 cho kW từ 401 trở lên là 2.587 đồng/kWh.

Đối với giá bán lẻ điện cho kinh doanh, theo quy định mới này, cấp điện áp từ 22 kV trở lên: Giờ bình thường là 2.125 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 1.185 đồng/kWh; Giờ cao điểm là 3.699 đồng/kWh.

Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV: Giờ bình thường là 2.287 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 1.347 đồng/kWh; Giờ cao điểm là 3.829 đồng/kWh.

Cấp điện áp dưới 6 kV: Giờ bình thường là 2.320 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 1.412 đồng kWh; Giờ cao điểm là 3.991 đồng/kWh.

Biểu giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp được chia ra 2 đối tượng. Cụ thể, đối với bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, giá điện ở cấp điện áp từ 6 kV trở lên là 1.460 đồng/kWh, còn dưới 6 kV là 1.577 đồng/kWh; Giá điện cho chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp từ 6 kV trở lên là 1.606 đồng/kWh, dưới 6kV là 1.671 đồng/kWh.

Ngoài ra quyết định còn quy định chi tiết giá bán lẻ điện cho kinh doanh, giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng cho công tơ thẻ trả trước, giá bán buôn điện sinh hoạt ở khu vực nông thôn, điện khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại - dịch vụ...

Đánh giá sơ bộ một số ảnh hưởng của việc tăng giá điện

Ảnh hưởng của giá điện tăng tới xã hội

Việc giá điện tăng lần này sẽ không ảnh hưởng các hộ nghèo và hộ chính sách, và chỉ tác động ít tới các hộ tiêu thụ điện ít dưới 50kWh và 100kWh, bởi đối với các hộ nghèo và gia đình chính sách thì hiện nay Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ trực tiếp. Đối với các hộ thuộc diện đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, mức hỗ trợ hiện nay là 30kWh mỗi tháng theo biểu giá bậc một của giá điện sinh hoạt. Trong biểu giá điện trước đây thì mỗi tháng các hộ này được hỗ trợ mỗi tháng 46.000 đồng. Với biểu giá mới thì mức hỗ trợ mỗi tháng trên dưới 48.000 đồng.

Ảnh hưởng của giá điện tăng tới kinh tế

Lần cuối cùng EVN được tăng giá điện là vào thời điểm tháng 8/2013. Nếu đến tháng này EVN mới được tăng giá điện lên thêm 7,5%. Như vậy mức tăng này nhỏ hơn mức tăng CPI trong thời gian từ 8/2013 đến 3/2015, và sẽ đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Tác động tới ngành điện lực – thu hút đầu tư

Ngoài việc tăng giá điện để tránh lỗ 12.000 tỷ đồng cho ngành điện lực trong năm nay, việc tăng giá điện lần này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư vào ngành điện lực, đảm bảo sản lượng không chỉ đủ cho tiêu thụ mà còn có cả cho xuất khẩu.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng thế giới (WB), so sánh với số liệu thống kê của trang Statista.com về giá điện thế giới năm 2014, sau khi tăng thêm 7,5%, giá điện của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp trên thế giới. Cụ thể, năm 2014, giá điện của Italia cao gấp 3 lần giá điện của Việt Nam (21,01 cents/kWh); giá điện của Anh cao gấp 2 lần giá điện Việt Nam (15,4cents/kWh)…

Việc giá điện thấp là một trong những lý do làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư. Theo lãnh đạo EVN, các nhà đầu tư mới họ nhìn nhà đầu tư cũ có thu nhập thế nào thì mới quyết định đầu tư mới; các nhà máy điện đang vận hành mà giá điện quá thấp thì họ không thể nào yên tâm mở rộng sản xuất hay kêu gọi các nhà đầu tư mới vào. Cho nên việc điều chỉnh giá điện từng bước để làm sao bù đắp chi phí của cả 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối.

Việc tiêu dùng điện và sản xuất điện phải rất hài hòa và giá điện phải phản ánh đầy đủ chi phí của người sản xuất điện. Người sản xuất điện ở đây không phải chỉ có một mình EVN mà cả một hệ thống từ nhà máy điện tư nhân, các công ty cổ phần của các công ty của nhà nước, các nhà máy điện BOT, phụ thuộc vào cả hệ thống truyền tải, phân phối và cả vào người tiêu dùng.

Đặc biệt, với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì mục tiêu chính của họ là lợi nhuận. Tức là chúng ta phải ký được hợp đồng đảm bảo lợi nhuận cho họ và giá điện phải hợp lý thì họ mới làm. Hiện nay, hầu hết các nhà máy điện do đầu tư nước ngoài làm thì giá bán điện đều cao hơn so với giá bán điện từ các doanh nghiệp của EVN và nhà máy tư nhân khác. Thứ hai là trong chuyển đổi ngoại tệ nếu như vấn đề này thuận lợi thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào. Thông thường các dự án BOT đều yêu cầu có bảo lãnh của Chính phủ đối với việc chuyển đổi ngoại tệ. Việc này cũng sẽ gây khó khăn cho việc bảo lãnh của Chính phủ nếu như các dự án BOT quá nhiều. Vì vậy nên khuyến khích các nhà đầu tư  trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài nhưng áp dụng các cơ chế như nhà đầu tư Việt Nam thì đấy là thuận lợi nhất. Mà muốn được như thế thì chúng ta phải thực hiện được cơ chế thị trường, giá điện phải đảm bảo như thị trường thì họ sẽ chịu cả lợi nhuận và rủi ro. 

T.Hải

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn VTV, Vietnamplus, CafeF...