Giá mới sẽ được áp dụng khi các trung tâm nhập hàng mới để chuẩn bị cho mùa khuyến mãi nhân dịp lễ 30-4 sắp tới.
Ông Đinh Anh Huân, tổng giám đốc Công ty thegioidientu.com, cho biết các hãng điện tử, điện lạnh gia dụng như Samsung, Sharp... vừa thông báo điều chỉnh tăng giá bán một số chủng loại sản phẩm lên mức 5-10%, áp dụng từ ngày 14-2, do tỉ giá USD vừa điều chỉnh tăng.
Riêng mặt hàng máy tính xách tay đã được điều chỉnh tăng lên ngay trong ngày điều chỉnh tỉ giá (11-2) do giá bán lâu nay được tính theo USD dù hóa đơn xuất bán là VND.
Theo ông Huân, hiện phần lớn trung tâm kinh doanh hàng điện máy vẫn đang bán hàng cũ nên không tăng giá bán. Giá mới sẽ được áp dụng khi các trung tâm nhập hàng mới để chuẩn bị cho mùa khuyến mãi nhân dịp lễ 30-4 sắp tới.
Theo Tuổi trẻ
 
Điều hành tỷ giá USD/VND: Bắt đầu linh hoạt
Sự linh hoạt mà thông điệp Ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng 11/2 đã chính thức được cụ thể ngay trong ngày thứ hai thực hiện cơ chế mới (12/2).
Cuối chiều 11/2, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng USD với VND áp dụng cho ngày 12/2 ở mức 20.713 VND, tức tăng 20 VND so với mức vừa điều chỉnh và áp dụng trong ngày 11/2.
Đây là khác biệt lớn, bởi một thời gian dài từ năm 2009 đến đầu 2011, sau mỗi lần điều chỉnh là trạng thái cố định của tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Đây cũng là sự cụ thể nhất cho thông điệp linh hoạt tương đối, bám sát diễn biến thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cùng với cơ chế điều hành mới.
Như vậy, sau khi tăng một bước tới 9,3%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã bắt đầu có những thay đổi theo diễn biến của thị trường; có tăng và có thể có giảm. Còn sớm để khẳng định ở một hướng điều hành lâu dài, nhưng sự linh hoạt của tỷ giá này sẽ góp phần hạn chế những cú sốc tăng mạnh “dồn cục” như trong thời gian qua, cũng như có thể hạn chế nhất định kỳ vọng những điều chỉnh đột biến gắn với tâm lý đầu cơ trên thị trường.
Và với người dân, doanh nghiệp, từ ngày 12/2/2011, thói quen cập nhật tỷ giá bình quân liên ngân hàng hẳn sẽ định hình một cách đều đặn hơn.
Đi cùng với sự cụ thể trên, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố những thông tin cơ bản xoay quanh việc thực hiện cơ chế điều hành mới, qua phát ngôn của ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối.
Ngoài lý do điều chỉnh đã được đưa ra trước đó, ông Huy cho biết việc điều chỉnh biên độ được thực hiện cùng với điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng (thu hẹp từ +/-3% xuống +/-1%) đã tạo điều kiện đưa tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng phản ánh sát hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
“Trong thời gian tới, tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ bám tương đối sát với những diễn biến trên thị trường ngoại hối. Chính vì vậy, việc thu hẹp biên độ tỷ giá là cần thiết nhằm hạn chế những biến động quá lớn của tỷ giá giao dịch trong ngày, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt  động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu điều hành chủ động, linh hoạt như chỉ đạo của Chính phủ”, ông Huy giải thích.
Về định hướng trong thời gian tới, vị lãnh đạo này cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá tương đối linh hoạt theo cả hai chiều, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để phát triển thị trường ngoại hối trong đó có việc cho phép áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế để các doanh nghiệp và ngân hàng có thể tăng tính chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn.
Trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại để triển khai thực hiện các biện pháp điều hành mới ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngoại hối để đảm bảo cho thị trường hoạt động thông suốt, an toàn và hiệu quả.
Theo Vneconomy