Giá xuất khẩu xi măng hiện nay từ 50- 55 USD/tấn- Đó là khẳng định của Chủ tịch HH Xi măng Việt Nam trước một số nguồn thông tin không chính xác cho rằng hiện nay giá xuất khẩu xi măng  là 38-39USD/tấn, mức giá này bằng 1/2 giá bán trong nước.

Giá xi măng xuất khẩu 50 USD/tấn

Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, “Giá xuất khẩu xi măng 37-38 USD/tấn là giá bán clinker không phải là giá bán xi măng. Vì vậy, thông tin giá xi măng xuất khẩu bằng 1/2 giá bán trong nước là sai. Giá bán xi măng xuất khẩu hiện dao động 50 USD/tấn tương đương hơn 1 triệu đồng/tấn xi măng”

Theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam, giá bán xi măng trong nước và giá xuất khẩu hiện nay là ngang bằng nhau khoảng 50 -55 USD/tấn, tương đương khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tấn (tùy theo tỷ giá). Do vậy, nếu như nói rằng, giá xuất khẩu thấp hơn giá trong nước là không đúng.

Nếu bán trong nước, doanh nghiệp phải cộng thêm cả tiền vận chuyển, chiết khấu, khuyến mại, tiền các đại lý nợ… giá bán đến tay người tiêu dùng khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/tấn.
Xi măng là sản phẩm nặng cho nên các doanh nghiệp ưu tiên bán thị trường gần, bán thị trường trong nước. Bởi, chi phí vận chuyển rất lớn, do đó hiệu quả bán tại thị trường xa là không cao.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong năm 2013 có chiều hướng tăng lên, giá xuất khẩu xi măng cũng tăng lên khoảng 1 USD/tấn tương đương 49-50USD/tấn; giá xuất khẩu clinker vào khoảng 38-39 USD/tấn. Tỷ trọng xi măng trong xuất khẩu đã tăng lên đáng kể. Năm 2012 tỷ trọng xi măng so với clinker là 24%, năm 2013 tỷ lệ này đã được nâng lên 36,6%.

Xuất khẩu có chọn lọc

Trước năm 2010, Việt Nam phải nhập khẩu từ 3,5 đến 4,5 triệu tấn sản phẩm xi măng để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước.

Từ 2011 trở lại đây Việt Nam mới thực sự xuất khẩu sản phẩm xi măng. Tính riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 14 triệu tấn xi măng, tăng về sản lượng và giá thành. Tuy nhiên, bài toán xuất khẩu xi măng chỉ được xem là giải pháp tình thế đối với các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, thực chất doanh nghiệp trong hoạt định chiến lược kinh doanh chủ yếu họ đang tập trung nhiều cho trong nước. Tuy nhiên, năm 2011 do kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng, sản lượng tiêu thụ sụt giảm vì vậy các doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu.

Năm 2013 xuất khẩu xi măng là 14 triệu tấn nhưng bước sang năm 2014 khả năng xuất khẩu xi măng là khó. Đơn cử, Indonesia là 1 trong nhiều nước nhập khẩu xi măng của VN nhưng sang năm 2013 họ xây dựng 2 nhà máy với công suất 60 triệu tấn/năm nên khả năng họ tiếp tục nhập khẩu xi măng là khó.

Vì vậy, các doanh nghiệp đều hướng đến sản xuất trong nước tuy nhiên không thể bỏ qua mảng thị trường xuất khẩu. Nhà  nước nên hoạch định chiến lược  xuất khẩu có chọn lọc, tức là có doanh nghiệp có lợi thế gần vùng nguyên liệu, gần cảng biển… thì chuyên tìm thị trường xuất khẩu, còn các doanh nghiệp không có lợi thế trên thì tập trung cho sản xuất trong nước.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần xây dựng cảng chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm xi măng. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh và có kế hoạch triển khai quy hoạch giao thông, trong đó có cảng bốc xếp clinker và xi măng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phải nâng cao năng lực,  tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, vì quyền lợi và hiệu quả của chính mình, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần tăng cường sự hợp tác trong xuất khẩu.

Nguồn: XimăngVN/VnMedia