Từ đầu tháng 12/2013 đến nay, giá gỗ rừng trồng trên địa bàn Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,2 triệu đ/tấn; tăng từ 300.000 - 400.000 đ/tấn so cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Văn Hạnh, chủ cánh rừng trồng rộng 8 ha ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), cho biết: “Vừa qua, tui khai thác 4 ha rừng keo lai ở các xã Nhơn Tân, Nhơn Hòa (TX An Nhơn), năng suất đạt gần 100 tấn/ha. Với giá gỗ nguyên liệu như hiện nay, gỗ keo lai được thu mua tại nhà máy xấp xỉ 1,2 triệu đ/tấn, gỗ bạch đàn 1,13 triệu đ/tấn, tui có lãi trên 50 triệu đ/ha. Từ khi trồng rừng kinh tế, với diện tích 8 ha rừng, gia đình tui có thu nhập hàng trăm triệu đ/năm”.

Với ông Hạnh, một người có diện tích rừng trồng “cỏn con” là vậy mà tại thời điểm gỗ nguyên liệu tăng giá đã vui đến thế, thì với ông Cù Văn Mẫn, một hộ trồng rừng ở thôn Bình An 1, thuộc xã Phước Thành (Tuy Phước), người có hàng trăm héc ta rừng trồng thì niềm vui còn tăng gấp bội. “Gia đình tui trồng rừng cách đây hơn 10 năm. Hiện nay, tui có trên 100 ha rừng nguyên liệu trên địa bàn xã Phước Thành và các địa phương lân cận. Vừa qua, tui vừa thu hoạch 6 ha rừng keo lai, với giá bán bình quân 1,17 triệu đ/tấn, tổng doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Toàn huyện trồng được 1.060 ha rừng theo Dự án WB3 do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay. Rừng trồng trên địa bàn chủ yếu bằng các giống keo lai, bạch đàn; trong đó, gần 300 ha rừng trồng từ năm 2006 trên địa bàn xã Phước Thành, Phước An đã đến chu kỳ khai thác.

Thời điểm hiện nay, giá gỗ nguyên liệu được các nhà máy dăm gỗ trong tỉnh thu mua với giá gần 1,2 triệu đ/tấn, cao hơn 300 ngàn đ/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích rừng đến kỳ khai thác ở thời điểm này đạt khoảng 80 - 120 triệu đ/ha; lợi nhuận từ 47 - 70 triệu đ/ha.

Không chỉ vậy, trong xu thế các cơ sở chế biến đồ gỗ XK sử dụng gỗ rừng trồng có đường kính lớn thay thế gỗ nguyên liệu nhập ngoại đã gây nên cơn sốt gỗ rừng trồng trên địa bàn. Hiện nay, nhiều thương lái đang lùng sục thu mua gỗ keo, bạch đàn có đường kính từ 15 cm trở lên để cung ứng cho các cơ sở chế biến gỗ ốp tường, gỗ sàn với giá trên 1,5 triệu đ/tấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cho biết, nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu giấy ở mức khá cao như hiện nay là do nhu cầu tiêu thụ và XK dăm gỗ tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Hiện trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có hàng chục nhà máy chế biến dăm gỗ XK, việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu rất quyết liệt.

Nhiều nhà máy cạnh tranh trong khi nguồn nguyên liệu có hạn, do đó giá gỗ nguyên liệu liên tục tăng là điều dễ hiểu. Có thời điểm, giá gỗ nguyên liệu giấy tại một số địa phương tăng lên trên 1,3 triệu đ/tấn. Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn hiện có trên 3.000 ha rừng trồng ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân…, song sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác hàng năm vẫn không đủ cung cấp cho nhà máy chế biến dăm. Hiện nay, nhà máy chế biến dăm của công ty thu mua mỗi ngày từ 500 - 600 tấn gỗ nguyên liệu giấy trong và ngoài tỉnh...

Giá gỗ nguyên liệu giấy đang tăng cao là điều đáng mừng đối với người trồng rừng, song từ nhiều năm nay giá mặt hàng này không ổn định và khá bấp bênh, lúc thấp, lúc cao tùy thuộc vào các thị trường NK chứ không thể chủ động được. Lường trước tình hình này, ngày 31/10/2013, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3240/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025...

Mục tiêu của Bình Định là hướng cho công tác trồng rừng, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai hiện có; tận dụng những lợi thế của từng địa phương để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, thâm canh, gắn hiệu quả kinh tế với phát triển biền vững, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ được quy hoạch hoạt động ổn định, có hiệu quả.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức gắn kết giữa việc chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu để tránh những hệ lụy không tốt trong quy luật cung cầu; đồng thời tránh việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Theo Nông nghiệp Việt Nam