Báo cáo tại Hội nghị tổng kết vụ tôm nước lợ 2014 của Bộ NN&PTNT vừa qua tại Bến Tre cho thấy, tình hình nuôi tôm năm qua có nhiều tín hiệu khả quan, người nuôi có lãi, mặc dù dịch vẫn còn dấu hiệu của dịch bệnh.

Tín hiệu khả quan

Báo cáo của 30 địa phương nuôi tôm nước lợ cho thấy, tính đến 31/10/2014 cả nước thả nuôi 675.830 ha (đạt 100.9% kế hoạch); trong đó, diện tích nuôi tôm sú 582.514 ha, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 93.316 ha. Đến nay, thu hoạch trên 620.000 ha; trong đó, tôm sú 552.000 ha, TTCT 69.000 ha. Sản lượng ước đạt trên 660.000 tấn, tăng 20,4% so cùng kỳ; trong đó, tôm sú ước 260.000 tấn, TTCT trên 400.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 6,48 tỷ USD, riêng tôm sú đạt 2,93 tỷ USD, bằng 117,2% so cùng kỳ năm 2013.

Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, có 35 doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản nhập khẩu tôm giống bố mẹ với 181 lô TTCT, 1 lô tôm sú bố mẹ, số lượng nhập khẩu khoảng 143.960 con. Kết quả kiểm tra các lô hàng TTCT bố mẹ 10 tháng đều đạt chất lượng, còn 1 lô tôm sú không đáp ứng yêu cầu về kích cỡ theo quy định của Bộ NN&PTNT. Cục Thú y đã kiểm dịch được 280.000 con TTCT bố mẹ và 670 con tôm sú bố mẹ. Kết quả, tỷ lệ giống qua kiểm dịch đạt 50,6% còn lại không đăng ký kiểm kịch.

Vượt qua thách thức

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2014 mang đến cơ hội lớn cho con tôm nước lợ Việt Nam vì sản lượng tôm của 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc vẫn chưa cải thiện nhiều và tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung tôm cho thị trường thế giới. Giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao như hiện nay là do trên nhiều thị trường thế giới thiếu nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh đã tạo thuận lợi cho Việt Nam ký kết nhiều hợp đồng với khác hàng. Đặc biệt, diện tích nuôi TTCT tăng lên mức 93.316 ha và sản lượng nuôi đạt trên 400.000 tấn đã kịp thời cung cấp nguyên liêu cho chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh thuận lợi thì từ nay đến cuối năm 2014 con tôm Việt Nam vẫn còn gặp thách thức lớn như: Rào cản kháng sinh tiếp tục là trở ngại cho xuất khẩu tôm vào Nhật Bản trong những tháng còn lại và cho cả năm năm 2015. Mức thuế chống bán phá giá mà Bộ thương mại Mỹ công bố vào cuối tháng 9 vừa qua đối với tôm Việt Nam (mức cao 6,37%) là một bất lợi cho việc xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ…

Dự báo, trong quý IV/2014, tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục tăng do một số nước cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ đang gặp trở ngại trong việc xuất khẩu tôm vào thị trường này; giá trị xuất khẩu ước 1 tỷ USD. Với tình hình thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam thuận lợi như hiện nay thì sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD năm 2014, tăng 22% so năm 2013.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, năm 2014, nông nghiệp Việt Nam tương đối được mùa, được giá. Nổi bật nhất là ngành nuôi tôm, sản lượng cao, giá cả tương đối. Giá 1 kg tôm bằng khoảng 20 kg lúa. Như vậy, với sản lượng tôm tăng 20,4% tấn so với năm 2013 thì tương đương hơn 2 triệu tấn lúa. Tốc độ tăng trưởng ngành nuôi tôm 22% là đạt kỷ lục từ trước đến nay. Kết quả này rất có ý nghĩa đối với các tỉnh vùng biển trong cơ cấu kinh tế; theo đó, phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững là vấn đề đặt ra cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Nguồn: Thủy sản VN

 

Nguồn: Vasep