Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thì ảnh hưởng của quyết định này  đến tình hình sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước  là có nhưng không nhiều lắm. Hiện tại, ô tô du lịch từ 6 đến 9 chỗ ngồi phải chịu thuế TTĐB 30%; ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống phải chịu thuế TTĐB 50%. Theo biểu thuế mới, các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu 3 mức thuế suất là 50% với xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3, 60% với xe có dung tích xilanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 và 70% với xe có dung tích xilanh trên 3.000 cm3.
 
Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hiện nay, chiếm trên 60% số xe chở người dưới 24 chỗ được sản xuất trong nước là xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3, nhưng đây là đối tượng không bị điều chỉnh tăng thuế TTĐB. Còn loại xe dưới 24 chỗ có dung tích xilanh trên 3.000 cm3, đối tượng chịu mức thuế cao nhất, hiện chỉ chiếm 3% sản lượng sản xuất trong nước và 2,5% tổng số xe thuộc diện chịu thuế TTĐB.
 
Mặt khác, theo tính toán, số thuế tăng thêm (nếu có) không đáng gì so với tổng thu ngân sách. Việc nâng thuế TTĐB chỉ nhằm định hướng tiêu dùng theo hướng khuyến khích người dân bảo vệ môi trường và tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu. Theo đó, nếu lựa chọn sử dụng ô tô có dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống, thì người dân vẫn chịu mức thuế TTĐB cũ là 50%. Ngược lại, nếu có nhu cầu và điều kiện mua xe đắt tiền, thường có dung tích xilanh lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thì người sử dụng phải trả mức thuế TTĐB cao hơn.

Nguồn: Vinanet