(VINANET) – Giá cà phê toàn cầu có thể tăng đầu năm 2012 khi các ngân hàng tại Việt Nam ngày càng thắt chặt cho vay đối với các nhà xuất khẩu cà phê robusta trong nước. Lượng cung tiền mặt bị cắt giảm khiến lượng cà phê đầu vào phục vụ cho chế biến giảm theo, đồng thời chi phí tăng cao khi bước vào thời điểm chính vụ.

Giá cà phê robusta London có thể tăng khoảng 10-20%, tuy nhiên các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn phải phải chấp nhận cho tới khi nông dân nước này quyết định mở kho dự trữ và sản lượng cà phê từ các nhà cung cấp chủ lực phục hồi trong quý 2/2012.

Thông thường, cà phê robusta Việt Nam luôn được chào bán ở mức giá rất thấp so với cà phê kì hạn giao dịch trên sàn Liffe khi nguồn cung dồi dào trong suốt vụ thu hoạch. Trái laị, đây là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm khi mà trong suốt vụ thu hoạch giá đã tăng vọt do các nhà xuất khẩu khan hiếm tiền mặt đã rút khỏi thị trường.

Việt Nam thắt chặt các khoản vay ngân hàng trong năm 2011 nhằm giảm tăng trưởng tín dụng hàng năm và khắc phục lạm phát hơn 18%, nhưng động thái trên khiến nguồn tiền cần thiết để cung cấp cho các nhà xuất khẩu mua cà phê từ nông dân bị cắt giảm và dấy lên nỗi lo ngại tình trạng phá sản.

Giám đốc điều hành Công ty Môi giới Hàng hóa tại Sydney, Jonathan Barrat, cho biết:

“Khi bạn thắt chặt hầu bao của các nhà xuất khẩu, khả năng giá sẽ tăng do gián đoạn nguồn cung.”

“Chúng ta có thể thấy giá sẽ tăng trên 2.000 USD.”

Robusta London phục hồi khoảng 3% kể từ khi chạm đáy sau 11 tháng ở mức 1.784 USD/tấn trong tháng 11/2011, phần nào do sản lượng bán ra từ Việt Nam bị thu hẹp, mặc dù giá hợp đồng vẫn dưới mức đỉnh 2.670 USD trong tháng 3.

Hợp đồng được giao dịch xấp xỉ 1.830 USD hôm 23/12, ngày giao dịch cuối cùng trước kì nghỉ lễ.

“Nếu cà phê trong nước không được bán ra vào tháng tới, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam sẽ phải mua từ thị trường London và giá khi đó sẽ tăng lên 2.200 USD/tấn,”  nhà đầu tư thuộc một công ty nước ngoài đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Điều này đồng nghĩa với việc giá Robusta London sẽ tăng 23% so với mức giá thấp trong tháng 11/2011.

Nhiều nhà sản xuất đã trì hoãn việc mua cà phê Việt Nam để tận dụng mức giá thấp theo mùa hơn 100 USD/tấn khi sản lượng vụ thu đạt mức đỉnh tháng 12/2011. Điều này khiến họ đang phải trả 70 USD cho hợp đồng giao tháng 3 tại London khi không chấp thuận chuyến giao hàng gần đây.

Trong tháng 12/2010, cà phê đen xay loại 2,5% chủ yếu được dùng cho cà phê hòa tan được bán với mức giá chiết khấu trong khoảng 135-170 USD.

Theo một thương gia tại Thành phố Hồ Chí Minh:

“Năm 2011, mức giá rất bấp bênh. Một số thương gia đã bán cà phê tới London với giá cao.” 

Khó khăn trong chính sách

Việt Nam thắt chặt cho vay nhằm mục đích giảm nợ xấu, hạn chế tăng trưởng tín dụng xuống gần 12% năm 2011 so với mức 27,65 % năm 2010, cũng như nỗ lực giảm lạm phát. Sự thay đổi chính sách này đã gây tổn hại đến nhiều nhà kinh doanh trong nước.

Các nhà sản xuất than phiền họ không thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng để nhập cà phê trong niên vụ 2011/2012 khi sản lượng cho tới tháng 9/2012 có khả năng đạt 20,83 triệu bao, tương đương 14% sản lượng cà phê toàn cầu.

Theo một chuyên viên ngân hàng:

“Các ngân hàng vẫn chưa bắt đầu giải ngân, giờ đây họ trở nên thận trọng khi thực hiện hợp đồng với các công ty cà phê sau nhiều vụ thua lỗ xảy ra trong những năm gần đây.”

Các ngân hàng miễn cưỡng cho các nhà sản xuất vay. Do đó họ đã phải trì hoãn hoặc phải hủy bỏ chuyến giao hàng trong niên vụ trước khi nông dân không thực hiện hợp đồng trước đó do giá trong nước tăng lên mức kỉ lục 51,9 triệu VNĐ (2.468 USD)/tấn trong tháng 5.

Trong khi các ngân hàng chờ đợi chính phủ phê chuẩn gói tín dụng để cung cấp cho các nhà xuất khẩu mua và tích trữ cà phê, những nông dân dồi dào tiền mặt đã tăng giá cà phê trong nước lên gần 50% trong năm 2011 và từ chối bán cà phê dưới mức giá 40 triệu VNĐ/tấn.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 12 ước lượng giảm 8,5% so với cách đây 1 năm xuống mức 150.000 tấn khi các nông dân giữ hàng trong kho, trong khi các nhà xuất khẩu vất vả xoay xở mua cà phê.

Nguồn cung Việt Nam giảm cũng ảnh hưởng tới nhà sản xuất cà phê robusta Indonesia.

Indonesia , nước sản xuất cà phê lớn thứ 3 thế giới sau Brazil và Việt Nam đã phải mua cà phê Việt Nam khi vụ thu hoạch trong nước thất thu đầu năm 2011 khiến nguồn cung bị cắt giảm và đẩy giá cà phê loại 4,80 lên mức kỉ lục 550 USD trong tháng 8.

Tuy nhiên, việc mua cà phê Việt Nam trở nên khó khăn khi mức giá hiện tại vào khoảng 39 triệu VNĐ/tấn, dưới mức giá các nông dân mong muốn ngay cả khi mức giá này đã cao hơn chi phí sản xuất khoảng 60%.

Ngay cả khi gần 80% sản lượng tại Việt Nam đã được thu hoạch, các nông dân vẫn cảm thấy không có động lực để bán ra. Cà phê Robusta Việt Nam loại tốt hơn được nhập khẩu bởi Indonesia giờ đây được chào bán ở mức giá lên tới 160 USD cho đợt giao hàng tháng 1, trong khi được bán ở mức giá 60 USD tháng 11/2011.    

Các yếu tố tăng giá, rủi ro phía trước

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng toàn cầu sẽ giảm trong niên vụ này trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn tăng trưởng ổn định. Điều này sẽ đẩy giá lên cao.

Theo mức dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2011/2012 sẽ đạt 128,6 triệu bao, thấp hơn 133,1 triệu bao cách đây một năm.

Trong khi nguồn cung giảm, nhu cầu toàn cầu vẫn sẽ tăng ổn định trong năm 2012 với mức tăng trưởng đạt 2,5% như mọi năm.

Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt tại Colombia, nhà sản xuất chính loại cà phê arabica chất lượng cao có thể khiến sản xuất sụt giảm và đẩy giá tăng trước khi thị trường tiếp nhận nguồn cung từ Châu Á và Châu Mỹ trong tháng 5.

Tuy nhiên, những người nông dân Việt Nam sẽ muốn bán hết cà phê trước Tết - ngày lễ lớn nhất tại Việt Nam để mở đầu một năm mới bắt đầu vào ngày 23/1.

Vụ thu hoạch được dự đoán kết thúc vào giữa tháng 1, do đó người nông dân sẽ cần tiền mặt trong nửa đầu tháng 2 để trả lương cho lao động.

Các thương gia cho rằng, dẫu sao cuối cùng nông dân cũng sẽ phải bán, ngoài ra một khi nguồn dự trữ được mở để cung cấp trên thị trường, giá có thể sẽ giảm.

“Trong khi giữ hàng trong kho, người nông dân đồng thời lại đang góp phần làm giá giảm trong tương lai.”

“Tuy nhiên, với triển vọng tăng giá trong ngắn hạn, chúng ta không thể trách người nông dân. Nếu ở địa vị họ, chúng ta có lẽ cũng sẽ làm vậy.”    

 (Reuters)