Năm 2014, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp, sản phẩm tiêu thụ chính tại thị trường Mỹ vẫn ảm đạm. Chính vì vậy mà năm qua, tổng NK cá ngừ chế biến của Mỹ tiếp tục giảm so với năm 2013. Đặc biệt, NK cá ngừ đóng hộp của Mỹ có mức tăng trưởng âm, mặc dù năm nay thị trường này tiêu thụ nhiều thăn cá ngừ sơ chế hấp chín đông lạnh dùng để chế biến trong nước.

Trong khi, nhu cầu tiêu thụ các loài thực phẩm tươi, có nguồn gốc địa phương và hữu cơ ngày càng tăng đã tác động giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ hạn sử dụng dài, như cá ngừ đã được đóng gói, hấp chín.

So với năm 2013, NK cá ngừ tươi, ướp đá của Mỹ tăng nhẹ, nhờ nguồn cung cá ngừ vây vàng tăng. NK các sản phẩm có giá trị cao, như cá ngừ vây xanh phẩm cấp sashimi cũng tăng, chứng tỏ xu hướng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này đang tốt hơn. NK cá ngừ đông lạnh nguyên con dùng làm sashimi, tăng nhẹ hơn 1.000 tấn trong giai đoạn này.

NK thăn cá ngừ sơ chế hấp chín và thăn cá ngừ đông lạnh của Mỹ cũng tăng nguyên nhân là do giá NK bình quân thấp hơn so với năm 2013. Các nguồn cung này chủ yếu là cho các nhà máy chế biến cá ngừ đóng túi/hộp địa phương.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ đầu năm 2014, NK cá ngừ của Mỹ liên tục giảm, nhưng từ tháng 8 đã tăng trở lại, do nhu cầu tại thị trường này đã phục hồi. Tổng giá trị NK cá ngừ của Mỹ trong 11 tháng đầu năm nay đạt gần 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 260 nghìn tấn, giảm hơn 4% về giá trị những vẫn tăng hơn 6% về khối lượng.

Hiện Mỹ đang NK cá ngừ từ hơn 59 nước trên thế giới. Nguồn cung chủ yếu cho thị trường này vẫn là các nước Châu Á, chiếm gần 67% tổng giá trị và gần 73% tổng khối lượng. Trong đó, Thái Lan vẫn tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm cá ngừ cho thị trường này, tiếp đến là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Ecuador.

Năm qua, Mỹ tiếp tục là thị trường NK lớn nhất cá ngừ của Việt Nam, đặc biệt là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất đối với mặt hàng cá ngừ tươi, sống, đông lạnh và đóng hộp. Trong đó, XK cá ngừ đóng hộp là sản phẩm XK nhiều nhất của Việt Nam sang đây, chiếm gần 43 tổng giá trị XK tiếp đến là thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304 với 38,5%, cá ngừ tươi, sống và đông lạnh (trừ thăn cá ngừ đông lạnh) gần 16% và cá ngừ chế biến khác là gần 3%.

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại Mỹ thay đổi và giá cá ngừ giảm, nên XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này giảm gần 14% so với năm 2013, đạt gần 75 triệu USD. Trong khi đó, XK thăn cá ngừ đông lạnh tăng gần 40%, đạt hơn 48 triệu USD.

Những tháng cuối năm 2014, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục có sự phục hồi, nâng tổng giá trị XK cá ngừ trong cả năm 2014 của Việt Nam sang đây lên hơn 175 triệu USD, tuy nhiên vẫn giảm hơn 6,5% so với năm 2014.

Nguyên nhân do các DNXK cá ngừ của Việt Nam đang phải chịu áp lực về thuế cao hơn so với các nước đối thủ. Mức thuế hiện đang áp đối với cá ngừ đóng hộp của Việt Nam là 10,1%, trong khi Ecuador chỉ có 7,6% và các nước ASEAN khác là 9,2%, làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam.

Dự báo trong thời gian tới, tiêu thụ cá ngừ đóng hộp của Mỹ sẽ giảm thêm. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta nâng cao được chất lượng sản phẩm, cũng như khả năng đáp ứng được các yêu cầu về khai thác như không gây hại cho cá heo và cá voi….

Nguồn: www.vasep.com.vn