Nhu cầu tiêu thụ kim loại chủ yếu nhờ vào ngành ô tô, máy công nghiệp, ngành điện và phát triển đô thị. Yếu tố tích cực đối với nhu cầu kim loại màu là kinh tế các nước châu Á dự kiến tăng trưởng tương đối tốt khiến nhu cầu nhập khẩu kim loại màu có khả năng vẫn cao.

Giá dầu sụt giảm đã tạo ra gói kích thích kinh tế giá rẻ đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo đánh giá của các nhà phân tích, năm 2015 kinh tế thế giới sẽ phục hồi (mặc dù ở tốc độ chậm) sẽ làm tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa cơ bản trong đó có kim loại màu (đồng, bạc…). Triển vọng nào cho các DN khai thác kim loại màu của Việt Nam?

Nhu cầu ổn định

Tập đoàn nghiên cứu hàng hóa ABN AMRO dự kiến trong tương lai gần, giá kim loại cơ bản sẽ phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ kim loại chủ yếu nhờ vào ngành ô tô, máy công nghiệp, ngành điện và phát triển đô thị. Yếu tố tích cực đối với nhu cầu kim loại màu là kinh tế các nước châu Á dự kiến tăng trưởng tương đối tốt khiến nhu cầu nhập khẩu kim loại màu có khả năng vẫn cao.

Đối với kim loại đồng, dự kiến nhu cầu tiêu thụ đồng tinh chế vượt cung trong năm 2014 và nếu các nền kinh tế lớn nhu Trung Quốc hồi phục thì khả năng cầu vượt cung sẽ tiếp diễn trong năm 2015. Thiếu hụt nguồn cung do sản xuất giảm tại Inđônêxia, Zambia và Ôxtrâylia sau khi có lệnh cấm xuất khẩu, nhiều mỏ tạm thời đóng cửa. Tình trạng đe dọa nguồn cung sẽ còn tiếp diễn vào năm 2015 do chi phí tăng cao, giá than tăng, rủi ro về chính trị, chi phí vận chuyển và rủi ro về tỷ lệ ngoại hối vẫn tồn tại nếu xuất khẩu đẩy tăng chi phí trong nước.

Trong khi đó, Ủy ban đồng Chile giữ nguyên dự kiến về giá đồng trung bình trong năm 2014 và 2015 do tỷ lệ tăng cung và cầu đồng đều tương tự như mức dự kiến trước đây. Nhu cầu tiêu thụ đồng dự kiến đạt tổng cộng 22,02 triệu tấn trong năm 2014, tăng 4,8% so với năm 2013. Nhu cầu dự kiến tăng lên mức 22,7 triệu tấn trong năm năm 2015, tăng 3,1% so với 2014.

Đối với bạc, giá bạc trung bình đạt 15,50$/oz trong quý I/2015 nhưng sẽ tăng lên 19,50$/oz trong quý IV/2015. Commerzbank dự đoán giá bạc quý II sẽ giảm xuống thấp trong năm với mức trung bình đạt 16$/oz nhưng sẽ tăng lên 18$ vào quý IV. Theo các nhà phân tích, nhập khẩu bạc của Ấn Độ cũng tăng cao trong năm qua sau khi chính phủ ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu vàng để cân bằng cán cân thương mại.

Đối với nhôm, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. nhận định giá alumina cần phải tăng lên cao hơn nữa nhằm kích thích nguồn cung sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng thô khiến thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt. Chuyên gia phân tích Max Layton của tập đoàn Goldman Sachs nhận định, giá alumina – nguyên liệu cơ bản để sản xuất nhôm – cần phải tăng lên mức 370 USD/tấn vào quý II/2015 và đạt 380 USD/tấn vào nửa cuối năm 2015 nhằm kích thích nguồn cung alumina tăng lên. Lệnh cấm xuất khẩu quặng thô của Indonesia, trong đó có quặng bauxite đã khiến thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt liên tục và góp phần khiến tăng trưởng sản lượng alumina tại Trung Quốc giảm xuống.

Khả năng khi thác của các DN Việt Nam

Kết quả điều tra địa chất cho thấy Việt Nam đã phát hiện ra nhiều mỏ quặng kim loại có giá trị và phân bố rải rác ở nhiều nơi. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ. Đã đánh giá được một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp và trữ lượng dự báo lớn như: dầu-khí (1,2 tỷ-1,7 tỷ m3); than (240 tỷ tấn), sắt (2 tỷ tấn), đồng (1 triệu tấn kim loại), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng), bôxit (10 tỷ tấn), chì kẽm, thiếc, apatít (2 tỷ tấn), đất hiếm (11 triệu tấn)… và một số loại khoáng sản khác. Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và một phần cho xuất khẩu. Riêng quặng kim loại quý như vàng đã được điều tra phát hiện ở nhiều vùng trên cả nước và một vài mỏ đã được đưa vào khai thác. Như vậy, trữ lượng và các loại khoáng sản kim loại của Việt Nam là khá phong phú.

Những năm gần đây, sản lượng khai thác, chế biến và xuất khẩu một số loại khoáng sản tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của một số địa phương và cả nước. Khai thác khoáng sản luôn đem lại cho doanh nghiệp những nguồn lợi đáng kể. Do vậy hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính và sản xuất đang tập trung vào việc xin cấp phép thăm dò và khai thác quặng. Khoáng sản kim loại luôn được đánh giá là nguồn tài nguyên quý hiếm và có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Với nhu cầu sản xuất sử dụng nguyên liệu từ quặng ngày càng cao thì ngành khai thác khoáng sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Chiến lược phát triển khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011, Chính phủ có nhiều chính sách Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên.

Hiện tại, hầu hết các Công ty trong ngành này đều đang ở vị thế “độc quyền” trong việc khai thác, có lợi nhuận hấp dẫn, dễ khai thác. Tuy nhiên, các Công ty hoạt động trong ngành chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách Nhà nước như định hướng phát triển ngành khoáng sản, những ưu đãi, khuyến khích hay hạn chế...Thêm vào đó, chi phí khai thác mỏ phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nhiên liệu như xăng, dầu và giá cả những nguyên nhiên liệu này trong những năm gần đây liên tục biến động, ảnh hưởng lớn đến kết quả khai thác nếu không có kế hoạch dài hạn trong việc dự trữ nhiên liệu hợp lý. Do đó nhiều DN hiện nay hoạt động cầm chừng thậm chí thua lỗ, không có doanh thu trong nhiều năm.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Bắc Giang) cho biết, mặc dù những năm qua kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng nhu cầu kim loại màu vẫn duy trì ở mức cao. “Tiêu thụ kim loại màu không phải là vấn đề quá lớn đối với DN. Thách thức đặt ra đối với mỗi DN mỏ là tổ chức khai thác, đầu tư dây chuyền chế biến khoáng sản để đáp ứng yêu cầu của Nhà nước về quặng đủ điều kiện xuât khẩu. Nhiều DN khoáng sản làm ăn thua lỗ năng lực tài chính yếu không đủ sức đầu tư nhà máy chế biến hiện đại”. Qua 20 năm hoạt động trong ngành, Á Cường đã đầu tư hoàn thiện 2 nhà máy với 4 dây chuyền tuyển quặng, 01 dây chuyền điện phân, và đang trong quá trình đầu tư hoàn thiện 01 dây chuyền hỏa luyện đồng cho ra sản phẩm đồng tinh luyện 99,99%. Trước đây thay vì xuất quặng thô bao gồm cả bạc và đồng đến nay công nghệ của Á Cường đã cho phép tách quặng đồng và bạc riêng, đủ điều kiện xuất khẩu. Với 8 điểm mỏ đồng, bạc, than ... trong đó 5 mỏ đã được cấp phép và  3 dự án mỏ đang trong quá tình cấp phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, DN này có khả năng duy trì lợi nhuận ổn định trên 100 tỷ đồng mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2015 – 2018. Việc đưa vào vận hành nhà máy sản xuất  đồng 99.99%, Á Cường có thể tăng thêm doanh thu 50-100 tỷ đồng/năm.

Trước những quy định hạn chế xuất khẩu quặng thô và thận trọng trong việc cấp phép khai thác mới (thậm chí thu hồi các điểm mỏ đã cấp phép nhưng không tiến hành khai thác), cơ hội dành cho các DN khai thác kim loại màu làm ăn bài bản, có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực đầu tư vào khâu khai thác, chế biến là rất lớn.

Nguồn: CafeF/Infonet