Theo Cục Hải quan TP.HCM, doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng nước trái cây lên men có độ cồn tối đa 5%, mã số HS là 2206, đóng thuế tiêu thụ đặc biệt 25% theo thuế suất rượu có nồng độ cồn dưới 20%, đã thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Kết quả giám định được kết luận là nhóm đồ uống đã lên men.

Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ, tại khoản 1 Điều 3 quy định “sản phẩm rượu” là đồ uống có cồn thực phẩm. Sản phẩm rượu được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả, hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm.

Theo quy định, sản phẩm rượu không phân biệt nồng độ cồn là bao nhiêu. Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn thì phân loại rượu vang là đồ uống có cồn thu được từ quá trình lên men từng phần/hoàn toàn từ nho tươi không qua chưng cất, độ rượu không dưới 8,5% tính theo thể tích.

Trong thực tế hiện nay, mặt hàng nước trái cây lên men có hạn sử dụng ngắn, giá thành thấp, được bán rộng rãi trên thị trường các nước, không hạn chế độ tuổi sử dụng (Trong khi đó, nhóm mặt hàng rượu quy định đối tượng sử dụng từ 18 tuổi trở lên, ở Mỹ từ 21 tuổi trở lên). 

Chính vì thế, nếu mặt hàng nước trái cây lên men cũng được xem là sản phẩm rượu thì phải được điều chỉnh tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, khi nhập khẩu phải có chứng từ hợp pháp theo quy định hiện hành và thực hiện quy định về dán tem rượu nhập khẩu theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này. Nếu thực hiện như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nước trái cây lên men sẽ phải tăng thêm chi phí, đẩy giá thành nhập khẩu lên cao.

Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, đối với việc nhập khẩu mặt hàng nước trái cây lên men, về chính sách thuế, thực hiện theo danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN, mã phân loại hàng hóa cấp theo 8 số, được áp mã số HS vào phân nhóm 2206, thực hiện thu thuế tiêu thụ đặc biệt 25% theo thuế suất rượu có nồng độ cồn dưới 20 độ.

Về chính sách XNK, doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành, hàng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Khi nhập khẩu nước trái cây lên men, không áp dụng chính sách như nhập khẩu rượu. Cụ thể, không áp dụng giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu mới được nhập khẩu trực tiếp rượu; không áp dụng giấy chỉ định hoặc ủy quyền nhà phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó; không thực hiện quy định về dán tem rượu nhập khẩu theo quy định tại Điều 15 và Điều 20 Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục Hải quan TP.HCM đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét, kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến điều chỉnh chính sách XNK phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, trong đó có mặt hàng nước trái cây lên men, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo Lê Thu
Hải Quan

Nguồn: Hải Quan