Doanh nghiệp sữa Việt Nam có danh mục sản phẩm rất đa dạng, có mặt ở hầu hết phân khúc và chất lượng không kém gì doanh nghiệp nước ngoài.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen về thị phần sữa ngoại và sữa nội ở sáu TP lớn tại Việt Nam cho thấy sữa nội đang tăng trưởng tốt. Trong khi thị phần sữa ngoại chiếm 75,6% nhưng tốc độ tăng trưởng âm thì sữa nội dù chỉ chiếm 24,4% nhưng tốc độ tăng trưởng đạt 21,8%.

Bốn yếu tố “nội lực” giúp sữa nội tăng trưởng

Kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy sữa nội có được sự tăng trưởng như trên là do năm 2013 sữa ngoại bị nghi ngờ nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng (NTD) e dè hơn. Ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành PizzaHome, nhận định thêm việc báo chí liên tục vào cuộc trong việc các hãng sữa ngoại tăng giá vô tội vạ đã phần nào có tác động tích cực đến tâm lý NTD.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Chí Trường - chuyên gia marketing, cho hay có bốn yếu tố “nội lực” giúp sữa nội tăng trưởng tốt.

Một là, về sản phẩm hiện doanh nghiệp (DN) sữa Việt Nam có danh mục sản phẩm rất đa dạng, có mặt ở hầu hết mọi phân khúc và chất lượng không kém gì DN nước ngoài, NTD đã dần dần tin tưởng chất lượng sữa nội hơn.

Thứ hai, giá cả hợp túi tiền là lợi thế của sản phẩm sữa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn như hiện nay. Điều này phù hợp với thực tế khi ghi nhận thị trường cho thấy cùng một dòng sản phẩm nhưng giá sữa nội thấp nhiều lần so với sữa ngoại. Chẳng hạn sữa dành cho người tiểu đường, giá của sữa Nutifood là Diabet Care Gold có giá 400.000 đồng/hộp, trong khi sữa ngoại 660.000 đồng/hộp. Tương tự, sữa dành cho người cao tuổi của Vinamilk là Sure Prevent có giá 380.000 đồng/hộp, Enplus Gold của Nutifood 360.000 đồng/hộp, trong khi đó giá sữa ngoại lên đến 670.000 đồng/hộp.

Yếu tố thứ ba giúp sữa nội tăng trưởng là năng lực DN. Ông Trường nhấn mạnh: “Nói là sữa nội nhưng các hãng sữa nội này đều nằm trong tay những DN sữa nội khổng lồ nên chiến lược tiếp thị, quảng bá thương hiệu đều không thua gì DN nước ngoài, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa”.

Cuối cùng, ông Trường cho biết thêm nếu xét về kênh phân phối thì DN sữa Việt Nam bây giờ không thua kém gì DN nước ngoài khi mạng lưới phủ rộng trên khắp cả nước.

DN sữa nội nên đầu tư sản phẩm mới

Ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành PizzaHome, cho rằng: “Mức tăng trưởng hơn 20% của sữa nội là tín hiệu đáng mừng nhưng còn quá sớm để có thể khẳng định đó là tín hiệu cho thấy sữa ngoại không còn được NTD tin dùng”.

Giải thích về nhận định của mình, ông Tùng cho biết tuy sữa nội có tăng trưởng nhưng trong bức tranh toàn cảnh, doanh thu của sữa ngoại vẫn cao hơn. Theo nguyên tắc về sự đuổi kịp trong ngành kinh tế, ở mức 25% thị phần như sữa nội sẽ dễ tăng trưởng hơn so với mức 75% của sữa ngoại.

Đồng quan điểm trên, ông Trường cũng cho rằng đây cũng chỉ là tăng trưởng ngắn hạn của thị trường, không thể nói NTD bây giờ chỉ tin dùng sữa nội được. Bằng chứng là ở các vùng thành thị, thu nhập ổn định hơn, khi NTD đã sử dụng sữa ngoại rồi thì khó có sự thay đổi đáng kể, cho nên thị phần sữa ngoại vẫn như vậy.

Trước những thách thức hiện nay, đại diện Nielsen vẫn tin rằng sữa nội có lợi thế về lâu dài chứ không phải ngắn hạn nếu các DN sữa nội kiên trì nỗ lực làm tiếp thị, đảm bảo giới thiệu thuyết phục những giá trị mới. Vì NTD muốn trải nghiệm những giá trị mới, vừa hợp túi tiền và vừa có chất lượng nên DN cần đầu tư trong việc phát triển sản phẩm mới. Như vậy các DN sữa nội mới được NTD tin tưởng hơn và ngày càng tăng được thị phần của mình.

Nguồn: Báo công thương điện tử, Pháp luật HCM

Nguồn: Vinanet