Theo các chuyên gia thị trường, do sức mua còn thấp nên giá hàng hóa sẽ khó có cơ sở tăng mạnh trong tháng 9. Trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động bởi các yếu tố: mùa mưa bão, lễ rằm tháng 7, Tết Trung thu, mùa khai giảng, việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tục trong thời gian vừa qua. Đây là cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 có thể tăng 0,4 – 0,5% so với tháng 8.

Với mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong tháng 8 có nhiều diễn biến trái chiều, trong khi giá thịt lợn dần ổn định thì giá thịt bò tăng nhẹ. Sau thời gian liên tục giảm giá, giá thịt lợn đã chững lại trong tháng 8 do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhu cầu tiêu thụ không cao. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường dự báo, sang tháng 9 nhóm mặt hàng này có xu hướng ổn định, riêng giá rau xanh có khả năng tăng nhẹ tại một số địa phương do đang trong mùa mưa bão. Giá lúa gạo cũng được dự báo tăng nhẹ do nguồn cung đang chững lại trong khi nhu cầu cho xuất khẩu có dấu hiệu tăng.

Giá đường trong tháng 8 có xu hướng giảm, so với cùng kỳ năm trước, giá bán buôn đường vẫn thấp hơn khoảng 16%. Nguồn cung của mặt hàng này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong tháng 9 và tháng 10. Hiện tại, một số nhà máy đường đã bắt đầu vụ ép, đến giữa tháng 8, các nhà máy đường đã ép được khoảng 25.000 tấn mía, sản xuất được 2.100 tấn đường, tăng 900 tấn đường so với cùng kỳ năm trước. Giá muối và giá sữa cũng được dự báo tiếp tục ổn định. Riêng giá muối sẽ vẫn giữ ở mức hợp lý nhưng các chuyên gia khuyến cáo vẫn cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu muối cho đúng mục đích và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, giá phân bón, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng được dự báo tiếp tục ổn định trong tháng 9. Theo các chuyên gia, nhu cầu sử dụng phân bón vẫn đang trong giai đoạn thấp nên khối lượng giao dịch không nhiều, giá phân bón trên thị trường tiếp tục giảm trong một số tuần đầu của tháng 8 và sau đó ổn định vào cuối tháng. Hiện đang là mùa mưa bão nên nhu cầu phân bón cũng chưa tăng mạnh.
Nhóm mặt hàng xây dựng cũng được dự báo có xu hướng ổn định. Theo Hiệp hội Thép và Tổng Công ty Thép Việt Nam , dự kiến sản xuất thép tháng 8 tăng so với tháng trước, mức tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2011, sản xuất và tiêu thụ thép tháng 8 giảm mạnh. Hiện tại, giá thép bán lẻ tại các địa phương ổn định và phổ biến ở mức 17,4 – 18,0 triệu đồng/tấn (tại miền Bắc) và 17,5 – 18,1 triệu đồng/tấn (tại miền Nam). Với mặt hàng xi măng, dự kiến sản xuất trong tháng 8 giảm mạnh trong khi tiêu thụ chỉ tăng nhẹ và vẫn ở mức thấp do đang là mùa mưa bão.
Riêng mặt hàng giấy được dự báo có xu hướng giảm nhẹ do giá bột giấy nhập khẩu giảm cũng như lượng tồn kho còn cao. Trong tháng 8, giá bán hầu hết các loại giấy có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 7 do các doanh nghiệp đã hạ giá bán để giải quyết tồn kho. Sản xuất giấy trong tháng 8 ước tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, giá gas bán lẻ trong nước tháng 9 được dự báo điều chỉnh tăng do giá nhập khẩu tăng. Nhiều chủ đại lý gas cho biết, trong thời gian tới, giá gas có khả năng tiếp tục được điều chỉnh với xu hướng tăng vài chục nghìn đồng/bình 12kg do giá gas thế giới vẫn ở mức cao. Từ ngày 1/8, giá bán lẻ gas được các thương nhân điều chỉnh tăng 52.000 đồng/bình 12kg. Hiện giá gas bán lẻ trên thị trường dao động từ mức 390.000 – 400.000 đồng/bình 12kg.
Các chuyên gia cũng dự báo, giá thuốc trong tháng 9 về cơ bản tiếp tục bình ổn, giá một số mặt hàng thuốc có thể sẽ điều chỉnh tăng và giảm theo điễn biến của thị trường. Tình hình thị trường dược phẩm trong tháng 8 vẫn tiếp tục ổn định , đáp ứng đủ thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu điều trị của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo đủ thuốc phục vụ phòng chống dịch bệnh và thiên tai./.

TTXVN

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam