Năm 2007, Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu tăng 40% số dặm trên một gallon nhiên liệu vào năm 2020, song thời hạn mà luật này quy định có thể sẽ phải điều chỉnh lên sớm hơn nhiều khi các nhiên liệu đắt hơn đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu và việc áp dụng những công nghệ mới.
Mặc dù cuộc khủng hoảng của các nhà chế tạo ô tô ở Detroit đang ngày một cam go, hiện còn chưa rõ liệu chính quyền Bush có tiếp tục cuộc tranh cãi mới với các tập đoàn lớn trong ngành sản xuất ô tô hay không, đặc biệt là tranh thủ cuộc bầu cử tổng thống năm nay để tiến tới các tiêu chuẩn mới. Nhưng một tác giả chủ chốt của luật 2007, cũng như những người ủng hộ môi trường và người tiêu dùng coi mục tiêu của luật trên còn quá thấp, và cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần phải cải tiến hơn nữa và rằng luật này cần phải đề ra các mục tiêu hàng năm cho các nhà chế tạo ô tô.
Thượng nghị sỹ Edward Markey (bang Massachussetts), Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về độc lập năng lương và sự ấm lên của toàn cầu, nói: "Chính phủ liên bang của chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý đạt các tiêu chuẩn cao hơn trong thời gian sớm hơn nếu các phân tích khoa học và kinh tế ủng hộ hành động này". Thượng nghị sỹ thuộc đảng dân chủ này ủng hộ việc tăng tính hiệu quả sử dụng năng lượng trong dài hạn của xe ô tô lên 35 dặm/gallon vào năm 2020, như một biện pháp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ nhập khẩu.
Chính quyền Mỹ có ý định thông qua quy định, theo đó tính hiệu quả sử dụng năng lượng trung bình của ô tô sẽ ở mức gần 32 dặm/gallon trong giai đoạn từ năm 2011-2015, trước khi ông Bush kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1/09. Mức trung bình này sẽ bao gồm cả xe thể thao chuyên dụng và xe tải - sản phẩm trụ cột đang gặp khó khăn ở thị trường trong nước, nơi các hãng General Motors Corp (GM), Ford Motor Co và Chrysler LLC từng chiếm lĩnh trong nhiều năm. Chính phủ nhiệm kỳ sau sẽ có trách nhiệm soạn thảo một chương trình tiết kiệm nhiên liệu trong 5 năm tiếp theo.
Các nhà chế tạo đang gặp khó khăn của Mỹ, kể cả những công ty nước ngoài "khỏe khoắn" hơn, đang cắt giảm sản lượng các loại xe tải và xe thể thao có số dặm chạy được thấp để tăng sản lượng xe cỡ nhỏ, xe mui kín và các loại xe chở khách khác.
Đối với các loại xe khách sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn, Chính phủ Mỹ sẽ đề xuất mức tiêu chuẩn 35,7 dặm/gallon nhiên liệu vào năm 2015, cao hơn mức 35 dặm/gallon vào năm 2020 được đề xuất trước đó.
Tại GM, các mẫu xe khách chiếm 18 trong tổng số 19 mẫu xe thế hệ mới dự kiến được tung ra thị trường vào năm 2020, và hầu hết các xe này đều đạt tiêu chuẩn 30 dặm/gallon. GM cũng có kế hoạch sản xuất 20 loại xe lai chạy kết hợp điện và xăng vào năm 2020, sau khi cho ra đời dòng xe Volt vận hành bằng điện vào năm 2010.
Các nhà chế tạo xe hơi nước ngoài, như Toyota Motor Corp và Honda Motor Co (cùng của Nhật Bản) sản xuất các dòng xe có mức tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu trên dưới 35 dặm/gallon. Dòng xe Cilvic bán chạy hàng đầu của Honda đạt 34 dặm/gallon khi đi trên đường cao tốc, trong khi xe lai Prius của Toyota đạt tiêu chuẩn 48 dặm/gallon khi đi trong thành phố.
Bộ trưởng giao thông vận tải Mỹ Mary Peters gọi mục tiêu tăng 40% là mức quá lớn, và cho rằng mức tiêu chuẩn 32 dặm/gallon đề ra cho giai đoạn 2011-2015 sẽ đưa đến sự cân bằng hợp lý giữa một chính sách hà khắc và một mục tiêu có thể đạt được, cho dù các hãng chế tạo xe hơi lớn đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các quan chức chính quyền Mỹ thừa nhận đề xuất ngắn hạn này dựa vào các kế hoạch sản phẩm lỗi thời và những dự báo giá xăng - nhân tố thúc đẩy các xu thế tiêu dùng - ở mức dưới 3 USD/gallon.
Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng việc tính đến mức giá xăng trên 4,1 USD/gallon và các kế hoạch sản phẩm nhấn mạnh đến các dòng xe sử dụng nhiên liệu hiệu quả sẽ tạo ra một tiêu chuẩn khắt khe hơn vào năm 2015. Ông David Friedman, giám đốc nghiên cứu thuộc Liên minh các Nhà khoa học có liên quan (UCS), nói chính phủ nên áp dụng mức tiêu chuẩn 40 dặm/gallon vào năm 2020 và ít nhất 50 dặm/gallon vào năm 2030.
Tuy nhiên, các nhà chế tạo ô tô cho rằng xu hướng chuộng xe tiết kiệm nhiên liệu, sự bất ổn trên các thị trường nhiên liệu và xu thế tiến tới các nhiên liệu thay thế đã củng cố thêm lập luận rằng sức mạnh thị trường và thái độ người tiêu dùng có "sức nặng" hơn trong việc quyết định mức độ can thiệp của chính phủ. Ông Dave McCurdy, Chủ tịch Liên minh các nhà chế tạo ô tô - một tổ chức thương mại đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ và hầu hết những hãng xe nước ngoài - nói: "Người tiêu dùng đang phản ứng bằng cách mua xe cỡ nhỏ hơn và thay đổi thói quan lái xe. Tính hiệu quả trong tiêu thụ nhiên liệu ở các xe cỡ lớn ngày một tăng và lượng khí thải từ ngành chế tạo ô tô đang giảm giảm sút".

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam