(VINANET) – Đầu tuần (02/2), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên có diễn biến khá thất thường, nơi tăng nơi giảm không đồng đều. Cả tuần giá biến động nhẹ với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng dao động từ 38.800 đồng/kg đến 39.900 đồng/kg. Phiên cuối (07/2) giá tăng thêm 200 – 500 đồng/kg so với phiên trước đó tương đương tăng 0,5 – 1,2% đứng ở mức 39.400 – 39.900 đồng/kg.

Cụ thể, hai ngày (03, 04/2) giá đồng loạt giảm liên tiếp với các mức giảm nhẹ 200 – 300 đồng/kg so với phiên đầu tuần. Sau khi giảm, giá bất ngờ tăng tới 500 đồng/kg ở phiên tiếp theo chốt ở 39.300 – 39.700 đồng/kg. Phiên 06/2 giá cà phê giảm trở lại đúng bằng mức giá phiên đầu tuần (02/2) rồi sau đó tăng cao nhất ở phiên cuối tuần gần chạm mốc 40.000 đồng/kg.

Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam

Thị trường
Đơn vị
Ngày 02/2
Ngày 03/2
Ngày 04/2
Ngày 05/2
Ngày 06/2
Ngày 07/2

FOB (HCM)

USD/tấn
1.835
1.827
1.817
1.841
1.832
1.843

Đắc Lắc

VND/kg
39.500
39.300
39.200
39.700
39.500
39.700

Lâm Đồng

VND/kg
39.100
38.900
38.800
39.300
39.100
39.400

Gia Lai

VND/kg
39.400
39.200
39.100
39.600
39.400
39.900

Trong tuần, giá cà phê các kỳ hạn trên thị trường thế giới cũng trồi sụt liên tục. Giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe tại London có 3 phiên giảm, 2 phiên tăng. Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE New York lại có diễn biến ngược lại với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm.

Phiên hôm 4/2 giá cà phê robusta giảm nhiều nhất trong tuần với 0,4 – 0,52%, đó cũng là phiên giá arabica giảm mạnh nhất với 0,99 – 1,06%. Ngay sau đó, phiên hôm 5/2 giá tăng trở lại mạnh nhất tuần của cả hai loại cà phê này với mức tăng của robusta là 0,95 – 1,24% và của arabica là 2,34 – 2,52%. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này chưa bền vững, lực tăng chủ yếu do mua đầu cơ. Cuối tuần, giao dịch cà phê robusta với khối lượng trung bình còn giao dịch cà phê arabica khá sôi động với khối lượng giao dịch cao.

Thị trường cà phê nội địa Brazil hiện khá trầm lắng, nhưng với việc đồng nội tệ real yếu, giảm xuống còn 2,74 real ăn 1 USD, các nhà xuất khẩu vẫn có đủ lượng cà phê cần thiết để đáp ứng cam kết xuất khẩu ngắn và trung hạn.

Tại Sở giao dịch LonDon các nhà đầu cơ trên hợp đồng tháng 3 đang chuyển vị thế sang tháng 5 với mức chênh lệch trong phiên 31 - 33USD. Do gần đến Tết – lễ hội truyền thống lớn nhất Việt Nam trong vào tháng hai tới nên giao dịch khá chậm. Năm nay, sức bán từ nông dân yếu không như các năm trước.

Theo một số nguồn tin dẫn thì sản lượng cà phê Việt Nam giảm một phần do các vườn cây già cỗi thêm tâm lý chán nản nên nông dân vẫn tiếp tục găm hàng. Theo Reuters, người trồng cà phê không bán cà phê ra thị trường vì nhiều người dự đoán sản lượng giảm và đang đặt cược giá sẽ tăng, mặc dù Việt Nam – nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, đã kết thúc vụ thu hoạch trong tháng trước. Tâm lý này thể hiện ở sản lượng cà phê xuất khẩu giảm trong ba tháng liên tiếp (12/2014-2/2015).

Hiện nay nông dân mới bán ra 30 – 35% sản lượng niên vụ 2014/15 của họ, thấp hơn chút ít so với năm ngoài. Hầu hết lượng cà phê bán ra cho các nhà xuất khẩu các công ty nước ngoài có kho trụ sở ở Việt Nam, và các nhà đầu cơ trong nước.

Theo thăm dò của Reuters sản lượng niên vụ 2014/15 của Việt Nam có thể đạt khoảng 27,2 triệu bao. Thăm dò dự báo thiếu hụt cà phê toàn cầu trong năm nay và giá sẽ tăng.

Khối lượng cà phê vụ mới hầu như vẫn chưa suy suyển vì hàng xuất khẩu hai tháng đầu vụ 10 và 11-2014 hầu hết là hàng tồn kho vụ cũ.

Tất cả các thị trường tại Việt Nam sẽ đóng cửa từ 14 - 23/2 để nghỉ Tết Nguyên đán. Năm ngoái, Tết rơi vào tuần đầu tháng 2 nhưng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng tăng vọt 83,4% so với cùng tháng năm trước lên 184.100 tấn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Xuất khẩu cà phê tăng trong mỗi tháng từ tháng 10/2013 đến tháng 4/2014, trong khi nông dân đang tích trữ, họ dễ dàng tiếp cận tín dụng và nhu cầu mua của nước ngoài yếu từ đầu niên vụ 2014/15 đã làm xuất khẩu đang chậm lại.

Trong năm 2015, Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi công xuất chế biến cà phê lên thành 200.000 tấn vì vậy các nguồn cung cấp từ nhà sản xuất châu Á có thể giảm trong tương lai gần.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Ấn Độ, xuất khẩu cà phê từ Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ sáu thế giới sẽ giảm ít nhất 10% xuống khoảng 270.000 tấn trong năm thị trường 2014/15 do sản lượng arabica thấp.

Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 1/2014 đạt 93.144 bao, giảm 8.658 bao (-8,5%) so với cùng kỳ năm ngoái, đưa xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm cà phê 2014-2015 (tháng 10/2014 – tháng 9/2015) đạt 208.044 bao, giảm 31.829 bao (-13,27%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Viện Cà phê Quốc gia Honduras, xuất khẩu cà phê tháng 1/2015 đạt 529.499 bao, giảm 21.626 bao (-4,26%) so với tháng 1/2014, đưa xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm cà phê 2014-2015 (tháng 10/2014 – tháng 9/2015) lên 1.080.689 bao, tăng 238.664 bao (+28,34%) so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo xuất khẩu cà phê cả năm 2014 - 2015 (tháng 10/2014 – tháng 9/2015) của Honduras đạt 4,8 triệu bao, tăng 14% so với năm trước.

Dẫn nguồn tin cà phê, thống kê tồn kho cà phê hiện có cho thấy rằng khối lượng nằm tại các các nước tiêu thụ và trong tay các quỹ đầu cơ còn khá lớn.

Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation) nói rằng tính đến hết tháng 12-2014 tồn kho cà phê còn 11.490.771 bao (bao=60 kg) tương đương với 689.446 tấn. Con số này chưa gộp cà phê đang trung chuyển hay nằm tại các cơ sở rang xay và sản xuất cà phê hòa tan, ước chừng 150.000 tấn nữa. Tổng số gần 840.000 tấn này đảm bảo cho toàn châu Âu tiêu thụ trong vòng 3 tháng rưỡi nếu như không nhập thêm.

Hiệp hội Cà phê Hạt Hoa Kỳ (Green Coffee Association) cho biết đến cuối năm 2014 tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ còn 5.524.964 bao hay 331.498 tấn, tăng 8,6% so với tháng 12-2013. Cộng với chừng 120.000 tấn đang nằm rải rác tại các cơ sở sản xuất và trên đường, ước Bắc Mỹ vẫn còn 450.000 tấn. Tại Nhật, đến hết tháng 11-2014 tồn kho còn gần 172.000 tấn.

Như vậy, tổng tồn kho cà phê tại các khối nước tiêu chính theo thống kê mới nhất đạt 1.462.000 tấn, bằng sản lượng hàng năm của cả Việt Nam.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp