(VINANET) – Cả tuần nay (19-24/1) giá cà phê nội địa và kỳ hạn đều giảm. Cuối tuần (24/1), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giảm thêm 100-200 đồng/kg so với phiên trước đó và giảm 500 – 700 đồng/kg so với phiên đầu tuần.

Nếu như ở tuần 3, giá cà phê nhân xô cuối tuần chỉ giảm nhẹ 0,2 – 0,7% so với mức giá đầu tuần thì ở tuần 4 giá cà phê cuối tuần đã giảm mạnh hơn với 1,2 – 1,7% so với mức giá đầu tuần.

Tại cảng TPHCM giá cà phê robusta theo giá FOB sáng nay (26/1) giữ nguyên mức giá cuối tuần chốt ở 1.841 USD/tấn.

Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam

Thị trường
Đơn vị
Ngày 19/1
Ngày 23/1
Ngày 24/1
Ngày 26/1

FOB (HCM)

USD/tấn
1.880
1.851
1.841
1.841

Đắc Lắc

VND/kg
40.100
39.500
39.400
39.400

Lâm Đồng

VND/kg
39.600
39.100
39.000
39.000

Gia Lai

VND/kg
40.100
39.800
39.600
39.600

Cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn trên thị trường thế giới có diễn biến trái chiều.

Tại thị trường London, trên sàn giao dịch ICE Futures Europe, giá cà phê robusta giảm từ 8 – 10 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 1 và kỳ hạn tháng 3 mức giảm tới 0,53%. Kỳ hạn tháng 5 và kỳ hạn tháng 7 giảm ít hơn với mức giảm từ 0,41 – 0,45% chốt giá cao nhất phiên tại 1984 USD/tấn ở kỳ hạn tháng 7.

Tại thị trường New York, trên sàn giao dịch ICE New York, giá cà phê arabica có diễn biến ngược lại với các mức tăng khá đồng đều. Kỳ hạn tháng 3, kỳ hạn tháng 5 và kỳ hạn tháng 7 tăng 2,5 – 2,55 cent/lb. Kỳ hạn tháng 9 tăng 2,6 cent/lb tương đương 1,53% chốt tại 170,1 cent/lb.

Sau thông tin Starbucks nhận định giá cà phê giảm đẩy sức mua tăng làm giá cà phê arabica hồi phục sau khi xuống thấp nhất 11 tháng.

Ông Scott Maw, giám đốc tài chính của Starbucks Corp, tập đoàn cà phê lừng danh thế giới, cho biết tập đoàn đã có tới 94% cà phê cho nhu cầu của năm 2015, do đầu tư mua vào khi giá cà phê giảm ở mức thấp nhất.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với kế hoach tung ra gói kích cầu trị giá 60 tỷ Euro/tháng kể từ tháng Ba khiến đồng Euro giảm mạnh và USD tiếp tục gia tăng làm cho giá cả nhiều loại hàng hóa trở nên bất lợi, trong đó có giá cà phê.

Theo ước tính ban đầu của ICO, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2014-2015 đạt 141,4 triệu bao, giảm 3,6% so với 146,8 triệu bao niên vụ 2013-2014. Sản lượng arabica và robusta đều giảm, tương ứng 3,7% và 3,6%.

Còn trong báo cáo mới nhất của tổ chức này, sản lượng cà phê robusta của Indonesia ước đạt 9 triệu bao, giảm 22,9% so với niên vụ 2013-2014, dựa vào khối lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia từ tháng 4/2014 “giảm gần ½ so với năm trước”.

Mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014-15 đã xong. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tới nay thị trường vẫn chưa chứng kiến một đợt bán mạnh nào. Một nhà phân tích ngành hàng cho biết “Giá cà phê nội địa cao và được giữ vững từ đầu vụ đến nay không xuất phát từ nhu cầu mua hàng. Hình như do ghim hàng và mua bán lòng vòng trên thị trường nội địa, tay qua tay, làm giá thành đội lên dần, không thể khớp với giá xuất khẩu”.

Một vị khác phân tích thêm rằng “năm ngoái được mùa, lượng cà phê xuất đi nhiều vì vậy mà nay nhà rang xay chưa vội mua trừ khi giá rẻ, đó cũng là một trong những nguyên nhân mất mùa nhưng giá chưa lên”.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, một số người sản xuất bắt đầu thấy lúng túng do giá xuống dù biết rất rõ cà phê vụ mới chưa ra bao nhiêu trên thị trường.

Các nhà quan sát cho rằng thị trường cà phê Robusta có khả năng tạo đột biến mới sau kỳ nghỉ lễ cổ truyền của Việt Nam và nhất là khi Indonesia bắt đầu tiến hành thu hoạch vụ mùa mới năm 2015.

Giá cà phê robusta tại London (Đơn vị tính: USD/tấn)

Kỳ hạn
Giá Giá cà phê
Thay đổi
% thay đổi
01/15
1903
-10
-0,53 %
03/15
1931
-10
-0,52 %
05/15
1960
-8
-0,41 %
07/15
1984
-9
-0,45 %

Giá cà phê arabica tại NewYork (Đơn vị tính: Cent/lb)

Kỳ hạn
Giá Giá cà phê
Thay đổi
% thay đổi
03/15
162,45
+2,5
+1,54 %
05/15
165,15
+2,5
+1,51 %
07/15
167,75
+2,55
+1,52 %
09/15
170,1
+2,6
+1,53 %
Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet/Giacaphe.com